Vietstock - Có nên đánh thuế đối với tiền lãi tiết kiệm?
Dành dụm được một khoản tiền sau khi đã đóng đầy đủ các loại thuế, bạn đem gửi vào ngân hàng và tiếp tục chịu thuế thu nhập cá nhân thêm một lần nữa đối với khoản tiền lãi nhận được.
Bên ủng hộ cho rằng đó là thông lệ quốc tế, được các quốc gia phát triển áp dụng, nhưng họ cũng thận trọng cho rằng chỉ nên đánh thuế người giàu nên không ảnh hưởng đến người nghèo.
Bên phản đối thì cho rằng đó là tận thu, và rằng nếu biết đồng tiền của mình đã đóng thuế nay chồng thêm thuế nữa, rất có thể họ sẽ không gửi ngân hàng mà mang đi mua vàng, USD…
Chỉ đánh vào người giàu, đại gia
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam, là người thuộc phe ủng hộ, khi cho rằng cần thu thuế lãi tiền gửi tiết kiệm cho công bằng với lãi cho vay khi cả hai hình thức này đều là đầu tư vốn.
Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng không phải toàn bộ lãi tiền gửi tiết kiệm bị thu thuế từ đồng đầu tiên mà chỉ phần lãi tiền gửi tiết kiệm vượt trên 5 triệu đồng/tháng thì mới phải nộp thuế với mức 5%.
Chẳng hạn, bà Cúc tính rằng với mức lãi suất huy động hiện nay là 7% mỗi năm thì mỗi tháng người gửi trên 800 triệu đồng mới phải nộp thuế vì hàng tháng, tiền lãi nhận được 5,6 triệu đồng.
Và chỉ 600.000 đồng mới phải bị tính thuế mức 5%, tương ứng với 30.000 đồng mà thôi nên số thuế phải nộp không đáng kể.
Nếu có 800 triệu đồng gửi tiết kiệm thì chỉ có những người có khối lượng tiền lớn như bán bất động sản. Thay vì đầu tư vào kinh doanh, họ lại giữ khoản tiền này để gửi ngân hàng lấy lãi.
Lập luận của bà Cúc là coi tiền gửi tiết kiệm là đầu tư và đã là đầu tư (vốn chịu thuế 5% khoản tiền lãi) thì phải đánh thuế, nếu không thì đó là điều bất cập.
Những người có thu nhập thấp, hay người làm công ăn lương mà về hưu có tiền dành dụm sẽ không bao giờ có khoản tiền lớn như vậy để gửi tiết kiệm. Do đó, cũng không chịu tác động bởi chính sách này. Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam |
Cùng quan điểm, ông Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty Luật BASICO, đồng tình và nhấn mạnh "chỉ đánh thuế lãi tiền gửi với người giàu, đại gia thôi".
Lý do là có những người gửi hàng chục tỉ đồng, thu nhập mỗi tháng vài chục triệu đồng từ tiền lãi, nhưng lại không nộp thuế đồng nào cả.
"Tôi đề xuất chỉ đánh thuế đối với khoản thu nhập lãi tiền gửi ngân hàng vượt 2 lần mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân. Điều đó có nghĩa là anh có thu nhập lãi tiền gửi trên 216 triệu đồng/ năm thì mới bị đánh thuế thu nhập cá nhân", Luật sư Trương Thanh Đức nêu ý kiến.
Hãy cẩn trọng, chưa nên đánh thuế lúc này
Những người phản đối lo rằng tiến hành đánh thuế với tiền lãi ngân hàng, nếu không cẩn thận, người dân sẽ không gửi tiền ngân hàng nữa mà đi tìm các kênh đầu tư khác.
Bà Đặng Thị Bình An, chuyên gia về thuế và hải quan, cho biết nếu triển khai ở Việt Nam thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì thời điểm đánh thuế chưa phù hợp.
Thực tế, giai đoạn hiện nay, nền kinh tế và cụ thể là cộng đồng doanh nghiệp đang khó khăn và rất cần vốn. Trong khi đó, vốn huy động từ dân cư chiếm vai trò rất quan trọng.
Do đó, đề xuất này cần phải được cân đối nhiều chiều, nhất là thời điểm áp dụng để làm thế nào vẫn khuyến khích người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng.
Nếu tiền gửi tiết kiệm bị đánh thuế thì người dân sẽ hạn chế gửi vào ngân hàng. Có thể người ta sẽ mua vàng, mua USD để giữ. Chuyên gia Đặng Thị Bình An |
Trong khi đó, ông Cấn Văn Lực - chuyên gia về tài chính, ngân hàng, cũng cho rằng nếu áp dụng thuế này sẽ gây ra tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Lập luận của ông Lực đưa ra là lãi tiền gửi tiết kiệm bị đánh thuế có thể khiến lượng tiền tiết kiệm gửi ngân hàng sẽ giảm. Khi đó lãi suất có thể sẽ bị đẩy lên. Và doanh nghiệp sẽ càng khó khăn.
"Việc đánh thuế lãi tiền gửi ở các nước phát triển là bình thường nhưng Việt Nam thì lại chưa nên đặt ra. Hơn nữa, đây cũng không phải là nguồn thu quá quan trọng đối với ngân sách", ông Lực nhận định.
Trong cả hai luồng ý kiến ủng hộ và phản đối, người nghèo vẫn không bị thiệt, phần thiệt là các "nhà đầu tư" tiền gửi vào ngân hàng.
Theo bạn, có nên đánh thuế thu nhập cá nhân đối với tiền lãi tiết kiệm hay không cho đúng với thông lệ quốc tế?