Vietstock - Chỉ cần pháp lý rõ ràng, thị trường tín chỉ carbon Việt Nam sẽ rất tiềm năng
Theo ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), thị trường tín chỉ carbon là một xu hướng không thể thay đổi trên toàn cầu và cả Việt Nam. Vấn đề chỉ là một khung pháp lý rõ ràng và chặt chẽ.
Tại buổi tọa đàm trong khuôn khổ Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế xanh (GEFE) 2024 tổ chức vào chiều ngày 21/10/2024, ông Quỳnh đã có một số nhận định về tiềm năng và thực trạng của thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA)
|
Ông cho biết, hiện tại thế giới chia ra 2 thị trường tín chỉ carbon, là thị trường bắt buộc và tự nguyện. Trong đó, thị trường bắt buộc có khung pháp lý, các chính sách thuế carbon rất rõ ràng, nên những ai tham gia đều phải tuân thủ, thực thi chặt chẽ, đáp ứng hạn ngạch phát thải carbon. Nếu vượt sẽ phải mua, hoặc thừa có thể bán. Một trường hợp khác, nếu có hoạt động hấp thụ carbon tốt cũng có thể bán tín chỉ carbon.
"Các thị trường có khung pháp lý, mức thuế carbon rõ ràng là thị trường bắt buộc. Năm 2023, thống kê quy mô thị trường này rơi vào khoảng 104 tỷ USD, tăng hơn 50% so với 2020" - trích lời ông Quỳnh.
Đối với thị trường tự nguyện, là thị trường dành cho các công ty, tổ chức dù chưa bị áp thuế carbon nhưng vẫn tiên phong thực hiện. "Họ tình nguyện thực hiện chiến lược giảm phát thải carbon, thông qua tối ưu hoá các hoạt động, hoặc đi mua chứng chỉ carbon để bù đắp cho hoạt động của mình. Với việc như vậy, họ thực hiện chiến lược marketing toàn cầu để khách hàng nhận ra" - ông tiếp lời.
Ở thị trường này, ông Quỳnh cho biết đến cuối 2023, quy mô chỉ rơi vào khoảng gần 800 triệu USD trên toàn cầu, giảm 2/3 so với 2021. Năm 2021 cũng là năm đỉnh cao của thị trường tự nguyện, nhưng sau đó xuất hiện nhiều biến động, đặc biệt là các vụ scandal về "tẩy xanh" (green wash) gây ảnh hưởng, khiến thị trường giảm đi.
Toàn cầu như vậy, còn Việt Nam sẽ thế nào?
Theo vị chuyên gia, Việt Nam hiện tại có định hướng, cam kết Chính phủ Net Zero vào 2050. Để thực thi cam kết, các chính phủ thế giới đòi hỏi không chỉ là nói suông, mà cần xây dựng khuôn khổ, kế hoạch cụ thể dựa trên thực trạng.
"Thực trạng ở đây tức là một quốc gia đang phát thải, hấp thụ bao nhiêu carbon? Giả dụ đang phát thải dương 1 triệu – 1 tỷ tấn carbon/năm, nghĩa là nó phải giảm xuống để các năm 2050, lượng phát ra và hấp thụ phải giảm về 0, tức đạt Net Zero.
Việc đo lường vì thế quan trọng, để biết 1 quốc gia đang phát thải thế nào, ngành nào phát thải nhiều nhất, kiểm soát năng lượng ra sao? Mức phát thải như vậy, kế hoạch giảm phát thải đến 2050 của các ngành là bao nhiêu, sau đó xây dựng được hạn ngạch áp cho từng ngành, rồi áp đến từng doanh nghiệp để biết tổng mức phát thải tối đa là thế nào. Nếu áp được, mới có thể hình thành thị trường tín chỉ bắt buộc".
Tuy nhiên, thực tế các khung pháp lý hiện vẫn chưa được hình thành, dù có kế hoạch là năm 2028. Khi khung pháp lý bắt buộc chưa hình thành thì hiện tại, hoạt động tại Việt Nam chủ yếu là thị trường tự nguyện, và ông Quỳnh cho rằng thị trường này cũng có khá nhiều vướng mắc vì thực sự cũng chưa có khung pháp lý rõ ràng.
"Hiện tại đã có 1 số đơn vị tiến hành bán tín chỉ carbon cho các tổ chức trong và ngoài nước, nhưng chủ yếu khách hàng là các công ty nước ngoài. Ví dụ như Nike (NYSE:NKE), adidas, họ đang mua chứng chỉ carbon và chứng chỉ năng lượng tái tạo (REC) – trong chuẩn phát triển xanh có tiêu chí RE100, tức 100% năng lượng tái tạo. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp có thể đang sử dụng các nguồn điện “chưa xanh”, và họ phải mua các chứng chỉ đấy để chứng minh với khách hàng là đang sử dụng 100% năng lượng tái tạo.
Thị trường carbon tự nguyện đó đã hình thành, gần đây khá sôi động nhưng cũng biến động theo thị trường quốc tế, đặc biệt sau scandal “greenwash” thì cũng bị giảm sút".
Bên cạnh đó, một vấn đề được ông đề cập là những người bán tín chỉ tại Việt Nam, nếu thành công, không biết hạch toán tiền bán tín chỉ vào đâu, nộp thuế thế nào.
"Trong thời gian tới, nếu có mức hoàn thiện pháp lý, thị trường sẽ có nhiều tiềm năng phát triển hơn. Việt Nam được McKenzie đánh giá là có tiềm năng lớn thứ 4 thế giới về năng lượng tái tạo. Nếu khai thác được, vừa xuất khẩu được điện, vừa xuất khẩu được tín chỉ năng lượng tái tạo, thì sẽ là rất lớn" - ông kết luận.
Các tổ chức tín dụng cũng loay hoay
Chia sẻ dưới góc độ của các tổ chức tín dụng, ông Quỳnh cho rằng vai trò của họ rất quan trọng vì thực tế là làm gì cũng cần tiền, kể cả với các dự án giảm phát thải.
"Qua khảo sát của tôi, hiện tại về mặt nhận thức, định hướng chính sách, các tổ chức tài chính nói chung tại Việt Nam và thế giới đều đang rất quan tâm, tìm cách triển khai sản phẩm dịch vụ hướng tới khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển dịch từ chưa bền vững sang mô hình sạch. Cùng với đó, họ gắn với các hoạt động như cho vay, phát hành trái phiếu xanh, đưa thêm vào các tiêu chí xét duyệt như ESG, phát triển bền vững để thực hiện" - trích lời vị chuyên gia.
Tuy nhiên, có sự khác biệt ở các thị trường. Với những thị trường trên thế giới có pháp lý rõ ràng, chính sách cho vay gắn với nguồn thu từ hoạt động tín chỉ carbon rất rõ. Nhưng tại Việt Nam, hiện chưa có khung pháp lý, nên bản thân các ngân hàng cũng gặp khó. Nhóm tổ chức tín dụng quốc tế, họ có cam kết toàn cầu về giảm phát thải, và chi nhánh Việt Nam cũng phải thực thi. Mục tiêu đó là cắt giảm phát thải ngay trong hoạt động và cung cấp tài chính xanh.
"Như Standard Chartered cam kết từ giờ tới 2030 sẽ tài trợ 300 tỷ USD cho các doanh nghiệp có dự án giảm phát thải carbon. Các tổ chức tại Việt Nam thì chưa có cam kết về con số rõ ràng, nhưng chính sách từ NHNN về trái phiếu và tín dụng xanh thì đã có, đến hết 2023 khoảng 680 ngàn tỷ đồng tổng lượng tín dụng xanh – một con số khá lớn".
"Phỏng vấn của tôi với một số lãnh đạo ngân hàng, đa số đều ủng hộ xu hướng, nhưng để gắn vào tiêu chí, đưa vào nguồn thu thì chưa làm được vì chưa có chính sách pháp lý. Vì vậy, xu hướng hiện tại và tiếp sau đây, thị trường này vẫn sẽ là một xu hướng toàn cầu, Việt Nam không đứng ngoài. Bản thân các tổ chức tài chính trong việc thiết kế các giải pháp tài chính để ủng hộ các dự án chuyển đổi xanh sẽ phải ngày càng chặt chẽ, tinh vi hơn để đáp ứng thị trường".
Châu An