Vietstock - Campuchia làm ô tô điện từ lâu, VN vẫn tranh cãi
Đường sá Việt Nam lại hay ngập nước, nếu rò rỉ điện có thể gây giật chết người tham gia giao thông...
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây đã có văn bản đề nghị cơ quan soạn thảo loại ô tô chạy điện ra khỏi phạm vi điều chỉnh của nghị định về điều kiện kinh doanh sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô.
Theo đó, ô tô điện không phải đáp ứng điều kiện cho cơ sở bảo hành, bảo dưỡng hay những điều kiện về phần mềm thiết bị sửa chữa phải có bản quyền của hãng sản xuất… như ô tô chạy nhiên liệu xăng dầu.
Nguy hiểm
VCCI giải thích rằng việc loại bỏ xe điện ra khỏi nghị định trên nhằm không làm cản trở cơ hội phát triển loại xe này tại Việt Nam. Mặt khác, do đây là loại xe mới, nhiều hãng sản xuất đang trong giai đoạn thử nghiệm, chỉ có một số ít sản xuất hàng loạt.
Do đó, nếu phải tuân thủ các quy định quản lý quá cứng nhắc có thể dẫn đến cản trở sáng tạo, cản trở khả năng nghiên cứu, thử nghiệm của các nhà khởi nghiệp Việt Nam.
“Ngoài ra, do lĩnh vực mới nên áp lực cạnh tranh trên thị trường xe điện chưa mạnh mẽ bằng dòng xe chạy nhiên liệu hóa thạch dưới chín chỗ, các hãng sản xuất chưa có nhiều thương hiệu mạnh và cũng chưa có được quy mô sản xuất lớn để tiết giảm chi phí. Chính điều này gợi mở khả năng phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam theo hướng sản xuất xe điện” - ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, giải thích.
Tuy nhiên, nhiều hãng xe cho rằng kiến nghị của VCCI là “sai lầm”. Ông Vũ Đô Thành, Trưởng đại diện Mercedes Benz Việt Nam tại Hà Nội, cảnh báo nếu loại ô tô điện ra khỏi ngành kinh doanh có điều kiện thì rất nguy hiểm cả cho lái xe lẫn người tham gia giao thông.
“Nếu không có trạm bảo hành, bảo dưỡng, cơ sở sửa chữa xe điện thì khó đảm bảo tính an toàn trong quá trình sử dụng. Vì công nghệ của ô tô điện rất phức tạp, rất nguy hiểm nếu sửa chữa không đúng tiêu chuẩn. Hơn nữa đường sá Việt Nam lại hay ngập nước, nếu rò rỉ điện có thể gây giật chết người tham gia giao thông khác” - ông Thành nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trần Đại, đại diện một hãng xe nhập khẩu từ châu Âu, cho rằng phát triển ô tô điện thì cần hệ thống sạc điện, trạm nạp nhiên liệu. Hệ thống này đòi hỏi phải có sự hỗ trợ, theo dõi của chính các hãng sản xuất vì nguy cơ chập điện, cháy nổ, mất an toàn cao. Thực tế ở châu Âu đã có một số trường hợp người sửa ô tô điện gặp rủi ro, thậm chí tử vong vì ô tô điện sử dụng nguồn điện cao thế.
“Ngay cả sạc điện ở nhà cũng phải có bộ chuyển đổi đồng bộ, nguồn điện phải đạt đủ vì nó có thể gây cháy nổ. Chính vì vậy tại các nước có thị trường ô tô điện phát triển, khi mua một chiếc xe điện, hãng sản xuất phải tới tận nhà khách hàng khảo sát, kiểm tra hệ thống điện, hỗ trợ người mua xe” - ông Đại dẫn chứng.
Cần chính sách ưu đãi đầu tư
Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá ô tô chạy bằng điện là xu hướng phát triển mới của ngành ô tô thế giới và được dự đoán sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Vì vậy những nước trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines… đang đầu tư mạnh cơ sở hạ tầng để phát triển loại xe này.
Việt Nam cũng đang nằm trong xu hướng chung này. Song để phát triển ô tô điện thì Việt Nam cần nhiều giải pháp đồng bộ và có thể làm từ thấp đến cao (chẳng hạn bắt đầu từ vỏ xe) chứ không phải là thả lỏng kiểm soát vấn đề an toàn để kích thích loại xe này phát triển. Ông Đại dẫn chứng: “Ngay cả hãng xe điện Tesla (Mỹ) được coi là lớn nhất thế giới còn không có chính sách mở đại lý, họ tự làm vì muốn đảm bảo tốt nhất chất lượng cho người tiêu dùng, chịu trách nhiệm vì công nghệ đòi hỏi kỹ thuật cao. Vì vậy cần siết lại các điều kiện về nhập khẩu, bảo hành, sửa chữa đối với ô tô điện”.
Trưởng đại diện Mercedes Benz Việt Nam, ông Vũ Đô Thành, cũng cho rằng nếu muốn phát triển xe điện thì nên có các chính sách hỗ trợ như miễn, giảm về thuế, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển trạm sạc điện… Còn các điều kiện như sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu thì cần áp dụng như với ô tô chạy nhiên liệu xăng dầu.
Chia sẻ quan điểm này, ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia về ô tô, nhận định ô tô điện có ưu điểm lớn nhất là góp phần giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, giảm ô nhiễm không khí do khí thải, góp phần bảo vệ môi trường. Nhưng trước mắt nên hỗ trợ phát triển ô tô điện bằng cách ưu đãi cho các hãng xe phát triển thử nghiệm, phân phối loại xe chạy điện kết hợp xăng.
Campuchia, Thái Lan… đã làm ô tô điện Theo đánh giá của Bộ GTVT, việc triển khai thực hiện thí điểm hoạt động ô tô điện tại 10 tỉnh phục vụ chở khách du lịch trong phạm vi hạn hẹp đã cho thấy loại hình này có nhiều ưu điểm. Cụ thể, cơ bản đảm bảo an toàn, văn minh, thuận tiện trong công tác phục vụ du lịch, đồng thời thân thiện môi trường, ít gây ô nhiễm, tiếng ồn nhỏ hơn các loại phương tiện vận chuyển khách khác. Tuy nhiên, Bộ GTVT cũng thừa nhận do loại phương tiện này chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nên việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế, phí cầu đường, biểu tính thu tiền quỹ bảo trì đường bộ… đều gặp khó khăn cho cả cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp. Để quản lý tốt loại phương tiện này, trước mắt Bộ GTVT giao các địa phương phân vùng hoạt động, tuyến đường và số lượng phương tiện được phép đầu tư hoạt động trên địa bàn địa phương mình, đảm bảo phù hợp với nhu cầu, đặc biệt không ảnh hưởng đến trật tự giao thông đô thị. Đồng thời các xe trên phải được đăng kiểm, đăng ký tạm thời để quản lý, tránh trường hợp chạy bát nháo ngoài đường gây nguy hiểm. Hiện nay, tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đã hợp tác với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản để sản xuất, lắp ráp ô tô điện cung cấp cho thị trường châu Á. Campuchia từ năm 2013 đã có dự án phát triển ô tô điện và cho ra mắt sản phẩm mẫu có giá dưới 10.000 USD. ___________________________ Theo Cục Đăng kiểm thuộc Bộ GTVT, hiện nay ngoài số lượng xe điện được Chính phủ đồng ý nhập khẩu thì có không ít xe được nhập khẩu chui. Tính đến giữa năm 2015, số lượng xe điện bốn bánh được cơ quan chức năng thống kê tại các địa phương có khoảng 1.086 xe và hiện tại khoảng 1.300 xe.
|