Vietstock - Các yếu tố thu hút dòng vốn FDI
Có nhiều yếu tố giúp Việt Nam thu hút dòng vốn FDI trong suốt thời gian qua. Tuy nhiên, các yếu tố này có thể được chia thành 3 nhóm chính gồm: Môi trường đầu tư ổn định và hấp dẫn, hệ thống các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), và Hệ thống thuế cạnh tranh.
Môi trường đầu tư ổn định và hấp dẫn
Nền kinh tế Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong khu vực và trên thế giới nhờ vào sự ổn định về vĩ mô. Đầu tiên, Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ở mức cao ngay cả trong những giai đoạn khó khăn như đại dịch COVID-19. Tăng trưởng GDP của Việt Nam luôn vượt trội so với các nước trong khu vực. Mức tăng trưởng cao này tạo ra một môi trường thuận lợi, giúp các doanh nghiệp FDI dễ dàng hoạt động. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước luôn cố gắng kiềm chế lạm phát và duy trì tỷ giá ở mức mục tiêu. Điều này không chỉ tạo ra sự ổn định kinh tế mà còn củng cố niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.
Thứ hai, Chính phủ không ngừng cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Sự cải thiện trong cơ sở hạ tầng giúp tăng cường kết nối giữa các vùng miền, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có thể liên kết hoặc tận dụng chuỗi cung ứng hiện có, từ đó tối ưu hóa lợi nhuận.
Hiệp định Thương mại Tự do (FTA)
Một vấn đề quan trọng khi chọn địa điểm đặt nhà máy đối với các doanh nghiệp nước ngoài là khả năng tiếp cận thị trường tiêu thụ. Có thể chia thị trường tiêu thụ thành hai nhóm chính gồm: (1) thị trường nội địa và (2) thị trường xuất khẩu. Các doanh nghiệp FDI có thể lựa chọn một trong hai nhóm thị trường hoặc cả hai.
Nếu doanh nghiệp FDI đầu tư nhà máy ở Việt Nam và tập trung vào thị trường nội địa, quy mô thị trường phải đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Với dân số 100 triệu người và mức thu nhập đang gia tăng, Việt Nam đang trở thành một thị trường hấp dẫn đối với nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này thường là các công ty thuộc ngành thực phẩm và tiêu dùng. Đối với các ngành như điện tử, máy móc, và thiết bị, Việt Nam vẫn chưa phải là một thị trường thực sự hấp dẫn. Vì thế, sẽ có nhiều doanh nghiệp lựa chọn nhóm (2) làm trọng tâm.
Đối với nhóm doanh nghiệp tập trung vào thị trường nước ngoài, câu chuyện xuất khẩu sẽ là trọng tâm. Theo đó, các doanh nghiệp FDI đặt nhà máy tại Việt Nam để tận dụng các chính sách ưu đãi và xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khác. Lúc này, sự thuận lợi trong quá trình xuất khẩu trở nên quan trọng. Các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) đóng vai trò then chốt trong quá trình này. FTA là thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều quốc gia nhằm giảm hoặc loại bỏ các rào cản thương mại, chẳng hạn như thuế nhập khẩu, để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Hiện nay, Việt Nam có 17 FTA với các quốc gia, trong đó đáng chú ý là Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Những hiệp định này giúp các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn một cách dễ dàng khi các rào cản thương mại được giảm đáng kể, như giảm hoặc không có thuế nhập khẩu, giảm các thủ tục hải quan... Đặc biệt, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất, điện tử, và dệt may được hưởng lợi nhiều từ các hiệp định này.
Hệ thống thuế cạnh tranh
Hệ thống thuế của Việt Nam cũng tạo sự thuận lợi nhất định cho các doanh nghiệp FDI. Nếu mức thuế đối với doanh nghiệp thông thường vào khoảng 20%, thì mức thuế này với các doanh nghiệp FDI được xem là tương đối hấp dẫn. Một ví dụ điển hình là Samsung, một doanh nghiệp FDI lớn tại Việt Nam. Doanh nghiệp nhận được mức thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi từ năm 2010 đến năm 2023 vào khoảng 10%. Tuy nhiên, mức thuế này sẽ gia tăng đáng kể lên 15% trong năm 2024 khi quy định về Thuế Tối thiểu Toàn cầu có hiệu lực.
Theo đó, Thuế Tối thiểu Toàn cầu (Global Minimum Tax - GMT) được Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đề xuất nhằm ngăn chặn các tập đoàn đa quốc gia tối ưu hóa thuế bằng cách chuyển lợi nhuận sang các quốc gia có mức thuế suất thấp hoặc không có thuế suất. Việc chuyển dịch lợi nhuận có thể gây thất thoát nguồn thu từ thuế với các quốc gia nơi công ty đa quốc gia thực sự có hoạt động. Quy định này thiết lập mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với lợi nhuận của các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, mức thuế này không xóa bỏ hoàn toàn các lợi ích mà hệ thống thuế của Việt Nam tạo ra cho các doanh nghiệp FDI.
Ngoài các yếu tố trên, Việt Nam còn có các yếu tố khác để thu hút đầu tư nước ngoài như chi phí lao động cạnh tranh, lực lượng lao động dồi dào, vị trí địa lý chiến lược… Những yếu tố này kết hợp lại giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với dòng vốn FDI trên toàn cầu.
Trần Trương Mạnh Hiếu