Vietstock - Cũng là lý do khiến xử lý nợ xấu chệch hướng
Ngân hàng là một ngành đặc thù nhưng bản chất cũng giống như các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp được huy động vốn từ hai nguồn: vốn chủ sở hữu từ các cổ đông và vốn vay từ các chủ nợ. Sử dụng vốn huy động được doanh nghiệp sản xuất ra một loại hàng hóa nào đó rồi bán cho khách hàng thu lại chi phí sản xuất và một chút lời. Số doanh thu này sau khi trừ thuế và các chi phí phát sinh sẽ được hoàn lại cho những người đã cung cấp vốn ban đầu là cổ đông và chủ nợ. Cách thức chi trả cho hai nhóm đối tượng cấp vốn này phụ thuộc vào pháp luật, điều lệ công ty, các cam kết/hợp đồng và chiến lược phát triển kinh doanh của lãnh đạo doanh nghiệp.
Ở hầu hết các quốc gia, doanh nghiệp phải có trách nhiệm pháp lý trả phần vốn vay (và lãi suất) cho chủ nợ dù làm ăn thua lỗ. Nếu không trả được, chủ nợ có thể yêu cầu tòa án tuyên bố con nợ bị phá sản rồi thanh lý tài sản để thu hồi nợ. Một nguyên tắc quan trọng của cơ chế doanh nghiệp trong một nền kinh tế thị trường là chủ sở hữu phải mất tiền trước khi chủ nợ và các bên liên quan khác bị mất.
Với ngân hàng, phần lớn số vốn vay là tiền huy động trong dân và người dân là chủ nợ của các ngân hàng. Do đó, về mặt pháp lý, các chủ sở hữu của ngân hàng phải bị mất hết tiền trước khi người dân bị mất nếu ngân hàng làm ăn thua lỗ vì bất cứ lý do gì. Nợ xấu của ngân hàng trước hết là rủi ro bị mất tiền của các chủ ngân hàng rồi mới đến người gửi tiền. Tuy nhiên, hoạt động ngân hàng có đặc thù là phần vốn vay thường lớn hơn nhiều lần vốn chủ sở hữu, cho nên nếu ngân hàng làm ăn thua lỗ, xác suất chủ nợ bị mất tiền cao hơn nhiều các loại hình doanh nghiệp khác. Nói cách khác, vì đòn bẩy tài chính của các ngân hàng rất cao nên các ràng buộc pháp lý thông thường không đủ để bảo vệ quyền lợi của chủ nợ, ở đây là người dân gửi tiền vào ngân hàng. Đặc điểm này dẫn đến một yếu điểm nguy hiểm của hoạt động ngân hàng là các chủ nợ sẽ tháo chạy rất nhanh nếu ngân hàng có dấu hiệu rủi ro/thua lỗ.
Chính vì lý do đó, đa số các nước đặt ra thêm một số hình thức bảo vệ chủ nợ của các ngân hàng, trực tiếp hoặc gián tiếp. Trực tiếp như bảo hiểm tiền gửi sẽ đứng ra trả (một phần) nghĩa vụ nợ của ngân hàng cho người dân nếu ngân hàng phá sản. Gián tiếp như các cơ chế giám sát hệ thống ngân hàng và cơ chế người cho vay cuối cùng để giảm bớt rủi ro cho các ngân hàng, góp phần bảo vệ tiền gửi của người dân. Chính hoạt động giám sát/quản lý/bảo hiểm/trợ giúp của Nhà nước đối với hệ thống ngân hàng là cơ chế quan trọng nhất bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền và thông qua đó bảo vệ hệ thống thanh toán/tín dụng của nền kinh tế. Bởi vậy, khi nợ xấu trở nên lớn đến mức gây rủi ro mất tiền cho người dân, nghĩa là các chủ sở hữu ngân hàng đã mất sạch tiền, phải thấy các cơ quan quản lý nhà nước đối với hệ thống ngân hàng đã không hoàn thành trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng như vậy.
Khi nợ xấu trở nên lớn đến mức gây rủi ro mất tiền cho người dân, nghĩa là các chủ sở hữu ngân hàng đã mất sạch tiền, phải thấy các cơ quan quản lý nhà nước đối với hệ thống ngân hàng đã không hoàn thành trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng như vậy. |
Hiện nay, một số quan chức, đại biểu Quốc hội đã nhầm lẫn khi cho rằng xử lý nợ xấu thành công sẽ thu được tiền về để đầu tư các công trình khác. Quan điểm này sai vì ba lý do sau. Thứ nhất nợ xấu là vấn đề trong quá khứ, phần nhiều vì những dự án đầu tư/kinh doanh thất bại. Xử lý nợ xấu kiểu gì cũng không thể làm các đống sắt vụn của Vinashin/Vinalines hay Sợi Đình Vũ của PVN hoạt động hiệu quả trở lại. Những mất mát này dù là lỗi của ai cũng là đã mất, không thể lấy được lại.
Thứ hai, nếu xử lý nợ xấu tương đương với thanh lý các tài sản thế chấp thì điều đó không làm tăng thêm vốn trong nền kinh tế. Điều này chỉ chuyển chủ sở hữu của các tài sản thế chấp từ tay các con nợ hiện tại sang các nhà đầu tư mới, dòng vốn từ các nhà đầu tư đó về lại ngân hàng. Nếu các nhà đầu tư mới không mua tài sản ngân hàng thanh lý thì họ có thể sử dụng số vốn đó đầu tư ở chỗ khác. Điều này có thể thấy rất rõ trong phương án hoán đổi nợ xấu thành cổ phần trong các doanh nghiệp/dự án bị phát sinh nợ xấu, không một dòng vốn mới nào xuất hiện cả. Sáu trăm ngàn tỉ đồng nợ xấu có giá trị bằng ba sân bay Long Thành không có nghĩa là xử lý xong toàn bộ số nợ xấu đó thì nền kinh tế sẽ có thêm số vốn đó để xây thêm ba sân bay này.
Thứ ba, trong một nền kinh tế tiền tệ hiện đại, vốn gần như tương đương với tín dụng. Xử lý nợ xấu thành công giúp làm tăng vốn chủ sở hữu của các ngân hàng, dẫn đến tăng khả năng cho vay của họ. Tuy nhiên, khả năng cho vay tăng không đồng nghĩa với tín dụng sẽ tăng. Điều này chỉ đúng khi ở thời điểm nợ xấu chưa được xử lý, các ngân hàng không thể cho vay được vì vốn chủ sở hữu quá thấp dẫn đến tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đã chạm sàn.
Thống kê hiện tại của Ngân hàng Nhà nước - NHNN (nếu đúng), cho biết tỷ lệ CAR của toàn hệ thống là 12,84%, cao hơn nhiều so với yêu cầu tối thiểu (8-9%), nghĩa là nếu muốn và được phép, các ngân hàng vẫn có thể tăng tín dụng mà không cần phải xử lý số nợ xấu hiện tại. Lý do chính ngăn cản các ngân hàng tăng tín dụng là giới hạn trần tín dụng và một số quy định hành chính khác mà NHNN áp đặt cho họ. Chưa bàn về tính đúng sai của các can thiệp hành chính đó, nếu nợ xấu được giải quyết triệt để nhưng NHNN không nới lỏng trần tín dụng thì vốn cho nền kinh tế cũng không thể tăng.
Cũng như vậy, có những phát biểu nhầm lẫn rằng 90% nợ xấu là tiền của dân, 10% là tiền của chủ sở hữu ngân hàng. Cần phải hiểu cả vốn chủ sở hữu lẫn vốn vay đều là tiền của dân dù chủ sở hữu/cổ đông của các ngân hàng có rủi ro mất tiền cao và nhiều hơn người gửi tiền bình thường. Là người làm thuê cho các chủ sở hữu và phần nào chịu trách nhiệm trước người dân gửi tiền, các cán bộ/lãnh đạo ngân hàng phải thấy họ đã có lỗi khi để nợ xấu tăng quá cao bất kể vì lý do gì. Ngay cả khi chỉ chủ sở hữu (cũng là người dân) bị mất tiền vì nợ xấu thì các cán bộ ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm, ít phải bị cách chức/sa thải, nhiều thì bị khởi tố hình sự nếu nợ xấu phát sinh do họ cố tình làm sai trái pháp luật.
Đồng thời, cần xử lý những người có trách nhiệm trong bộ máy nhà nước và rà soát, củng cố lại hoạt động giám sát quản lý hệ thống ngân hàng, nếu muốn giải quyết vấn đề nợ xấu một cách triệt để. Xử lý nợ xấu để giúp tăng trưởng kinh tế là điều phải làm nhưng không được phép lái vấn đề xử lý nợ xấu thành việc bảo vệ tiền gửi của dân mà lờ đi trách nhiệm của các cán bộ ngân hàng đã cho vay tắc trách/trái luật và các cơ quan nhà nước lơ là giám sát. Đối với Nhà nước, xử lý nợ xấu không phải chỉ để bảo vệ tiền gửi của người dân mà để củng cố hệ thống ngân hàng và hoàn thiện các cơ quan/cơ chế quản lý giám sát.
Rất tiếc vấn đề xử lý nợ xấu đã và đang đi chệch hướng vì những quan điểm chưa chính xác như vậy.