Vietstock - Bộ Tài chính đồng ý loạt cơ chế đặc thù cho cao tốc Bắc - Nam
Bộ Tài chính vừa có văn bản trả lời Văn phòng Chính phủ về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Trong đó, Bộ Tài chính thống nhất hàng loạt cơ chế đặc thù theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải.
Văn bản do Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải ký đã thống nhất với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải về việc triển khai công tác giải phóng mặt bằng ngay sau khi duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi.
Bộ Tài chính đồng ý với đề xuất cho phép Bộ Giao thông Vận tải đàm phán với các nhà đầu tư trên quốc lộ 1 đối với những đoạn tuyến cao tốc được đầu tư hoàn thành trước so với dự kiến trong hợp đồng BOT đầu tư quốc lộ 1 theo hướng kéo dài thời gian thu phí, trường hợp không đạt được thống nhất báo cáo, đề xuất Thủ tướng phương án xử lý.
Đối với đề xuất sử dụng giá trúng thầu sau khi lựa chọn nhà đầu tư làm cơ sở xác định chi phí vốn đầu tư và tính toán thời gian thu phí hoàn vốn, các cơ quan nhà nước và thanh tra, kiểm toán không xem xét đến giá trị dự toán sau khi đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Tài chính cho rằng đề xuất này của Bộ Giao thông Vận tải đảm bảo phù hợp với nguyên tắc của Luật Đấu thầu.
Ngoài ra, để đảm bảo chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, đàm phán ký hợp đồng, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông Vận tải bổ sung các nội dung đánh giá và các giải pháp thực hiện nhằm nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án PPP.
Theo phương án tài chính sơ bộ được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, lãi suất vốn vay 10,37%/năm (mức lãi cho vay dài hạn bình quân của 3 ngân hàng thương mại Nhà nước), lợi nhuận phần vốn chủ sở hữu là 14%/năm (cao hơn mức lãi suất 11 - 12% của các dự án xây dựng quốc lộ 1).
Về vấn đề này, công văn của Bộ Tài chính cho biết, để thu hút các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án, Bộ thống nhất với đề xuất sử dụng mức cho vay dài hạn cùng kỳ hạn bình quân của 3 ngân hàng thương mại lớn làm cơ sở xác định chi phí trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, lãi suất chính thức theo kết quả đấu thầu.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại chưa đồng thuận với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư 14%/năm.
Theo Bộ Tài chính, mức lợi nhuận này có thể đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài, song tương đối cao so với mặt bằng lợi nhuận của các dự án giao thông đường bộ hiện nay (khoảng 11,5%).
Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc mức lợi nhuận/vốn chủ sở hữu là 11,5% như các dự án BOT Quốc lộ 1 và mức lợi nhuận cụ thể sẽ được xác định trên cơ sở kết quả đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo tờ trình của Bộ Giao thông Vận tải, dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hà Nội - Tp.HCM dài 1.622 km, dự kiến 4 - 6 làn xe, tốc độ 80 - 120 km/h, chia làm 20 dự án thành phần.
Cả dự án có tổng mức đầu tư 312.435 tỷ đồng, được chia làm hai giai đoạn: giai đoạn 1 (từ nay đến 2025) và giai đoạn 2 (sau 2025), trong đó giai đoạn 1 được chia làm hai ưu tiên.
Tổng diện tích giải phóng mặt bằng, tái định cư toàn bộ dự án theo quy hoạch khoảng 6.505 ha, trong đó diện tích trồng lúa khoảng 1.820 ha, hơn 15.500 hộ dân bị ảnh hưởng.