Vietstock - IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng toàn cầu
Mặc dù hạ dự báo tăng trưởng kinh tế đối với Mỹ và Anh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vẫn giữ nguyên tăng trưởng dự báo tăng trưởng toàn cầu, do họ kỳ vọng tăng trưởng ở khu vực đồng tiền chung châu âu (Eurozone) và Nhật Bản sẽ gia tăng, CNBC cho hay.
Trong bản cập nhật tháng 7 của báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới (WEO), IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3.5% trong năm 2017 và 3.6% trong năm 2018.
Điều này vẫn xảy ra mặc dù trước đó, IMF đã hạ dự báo trăng trưởng ở Mỹ xuống từ 2.3% xuống 2.1% trong năm 2017 và từ 2.5% xuống 2.1% trong năm 2018 do tăng trưởng yếu ớt trong quý 1/2017 cũng như giả định chính sách tài khóa sẽ ít mở rộng hơn dự báo trước đó.
Kết quả yếu hơn dự báo trong quý 1/2017 cũng khiến IMF hạ dự báo tăng trưởng của Anh từ 2% xuống 1.7% trong năm nay, nhưng vẫn giữ nguyên kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2018 ở mức 1.5%.
Tuy nhiên, theo IMF, đà giảm tốc dự kiến của Anh và Mỹ có thể sẽ được bù đắp bởi việc nâng dự báo tăng trưởng đối với các quốc gia thuộc Eurozone, bao gồm Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha. Được biết, các quốc gia này phần lớn đều tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng trong quý 1.
Trong bản cập nhật tháng 7, IMF cho biết: “Điều này, cùng với việc điều chỉnh nâng tăng trưởng trong quý 4/2016 và các chỉ báo trong quý 2/2017, cho thấy đà tăng mạnh hơn dự báo của nhu cầu nội địa”.
Ngoài ra, cơ quan này đã nâng dự báo tăng trưởng của khu vực Eurozone từ 1.7% lên 1.9% trong năm 2017 và từ 1.6% lên 1.7% trong năm 2018.
IMF còn thay đổi dự báo tăng trưởng của Nhật Bản từ 1.2% lên 1.3% trong năm 2017. Trong khi đó, họ giữ nguyên dự báo trong năm 2018 ở mức 0.6%.
Bên cạnh đó, IMF nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc thêm 0.1% lên 6.7% trong năm 2017 do mức tăng trưởng quý 1/2017 mạnh hơn dự kiến. Đối với năm 2018, IMF đã nâng kỳ vọng tăng trưởng của Trung Quốc thêm 0.2% lên 6.4%, do họ hy vọng các cơ quan Chính phủ sẽ duy trì mức đầu tư công cao để đạt được mục tiêu tăng gấp đôi Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) thực năm 2010 vào năm 2020.
Trong ngắn hạn, IMF nhận thấy rủi ro toàn cầu đã khá cân bằng, nhưng nói thêm, trong trung hạn, các rủi ro sẽ nghiêng về hướng giảm.
IMF cho biết: “Sự bất ổn về chính sách kéo dài hoặc các cú sốc khác có thể kích hoạt quá trình điều chỉnh giá ở các thị trường, đặc biệt là thị trường cổ phiếu, và dẫn tới sự gia tăng biến động từ mức rất thấp như hiện nay. Chưa hết, điều này có thể làm giảm chi tiêu và niềm tin trên diện rộng, đặc biệt là ở các quốc gia có khả năng bị tổn thương về mặt tài chính cao”.
Về phía Mỹ, các chính sách đầy mâu thuẫn: Thực hiện các đề xuất kích thích tài khóa, như cải cách thuế thu nhập, có thể thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu và sản lượng công nghiệp, nhưng việc theo đuổi các đề xuất cắt giảm chi tiêu ngân sách sẽ làm 2 yếu tố trên giảm sút.
IMF nói thêm, ở châu Âu, tâm lý thị trường tích cực và các rủi ro chính trị ít hơn có thể thúc đẩy hoạt động kinh tế tăng mạnh hơn dự báo.
Trong tương lai, IMF khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách giải quyết các mối lo ngại trong trung hạn bằng cách thúc đẩy hợp tác toàn cầu, các thỏa thuận thương mại tự do và công bằng.
“Một hệ thống giao thương thế giới dựa trên nguyên tắc và cởi mở là cực kỳ quan trọng đối với sự thịnh vượng trên toàn cầu, nhưng nó phải được hỗ trợ bởi các chính sách nội địa để tạo điều kiện dễ dàng cho sự điều chỉnh, không chỉ là thương mại mà còn là sự thay đổi công nghệ nhanh chóng”, IMF nhận định.