Vietstock - Bộ Tài chính "hỏa tốc" lấy ý kiến sửa đổi hàng loạt sắc thuế
Bộ Tài chính vừa có công văn hoả tốc gửi Uỷ ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam, các bộ ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh thành phố, Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các hiệp hội doanh nghiệp khác về việc lấy ý kiến đề cương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân và Thuế tài nguyên.
Trụ sở Bộ Tài chính
|
Tham vấn các bộ ngành, doanh nghiệp
Bộ Tài chính cho biết trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đó là “giao cho Bộ Tài chính chủ trì, bổ sung một số điều của Luật thuế VAT, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Tài nguyên để trình Chính phủ báo cáo ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018 theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật,
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị 26 giao cho Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch xây dựng dự án Luật trong quý 3/2017.
Ngày 8/8/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã họp với các Bộ ngành để xem xét cho ý kiến về dự án Luật. Ngày 15/8, Văn phòng Chính phủ đã thông báo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về từng nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung của các Luật thuế trên.
Bộ Tài chính cho biết đã có dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo đề cương xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế VAT, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, Luật thuế Thu nhập cá nhân và Luật thuế Tài nguyên.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các cơ quan cho ý kiến tham gia về các nội dung đề xuất. Đặc biệt, để kịp tiến độ trình Chính phủ, Bộ Tài chính yêu cầu các ý kiến phải gửi về trước ngày 29/8.
Cụ thể, mới đây Bộ Tài chính đã đề xuất mở rộng các đối tượng chịu thuế VAT, tăng thuế VAT từ 10% lên 12% từ năm 2019.
Với thuế Tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế đối với các hàng hoá mới như nước ngọt, trà, cà phê đóng lon, thuốc lá (thuế tuyệt đối). Ngoài ra, Bộ Tài chính còn đề xuất tăng mạnh thuế với xe bán tải, tính thuế xe con theo tỷ lệ nội địa hoá tức phần linh kiện sản xuất trong nước sẽ được miễn thuế...
Với thuế Thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính đề xuất áp mức thuế 20-30% giải thưởng của người trúng Vietlott… Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm thuế cho các nhân lực công nghệ cao, chế biến nông sản...
Về Luật Thuế tài nguyên, Bộ Tài chính đang đề xuất bổ sung quy định về người nộp thuế tài nguyên trong trường hợp khai thác nhỏ, lẻ; Bổ sung quy định về sản lượng tài nguyên tính thuế đối với nước thiên nhiên; Bổ sung quy định về giá tính thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho sản xuất thủy điện và giá tính thuế tài nguyên đối với tài nguyên khai thác xuất khẩu để phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan.
Về Thuế Thu nhập doanh nghiệp, nội dung sửa đổi nổi bật là doanh nghiệp siêu nhỏ (tổng doanh thu năm dưới 3 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 15%. Đối với khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm không quá 200 người, tổng doanh thu năm từ 3 tỷ đến 50 tỷ đồng) được áp dụng thuế suất 17%. Doanh thu làm căn cứ xác định doanh nghiệp thuộc đối tượng được áp dụng thuế suất 17% và 15% là tổng doanh thu của doanh nghiệp trong năm.
Mục đích nuôi dưỡng nguồn thu
Theo Bộ Tài chính việc sửa đổi, bổ sung các Luật thuế trên chính là hiện thực hoá Chiến lược cải cách thuế giai đoạn 2011 -2020 đã đề ra là cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước theo hướng đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tiến tới phục hồi tỷ lệ động viên từ thuế, phí như các chiến lược đã đề ra.
“Hoàn thiện hệ thống chính sách thu gắn với cơ cấu lại nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng tỷ trọng thu nội địa, bảo đảm tỷ trọng hợp lý giữa giảm thuế gián thu và thuế trực thu, khai thác tốt thu từ tài sản tài nguyên, bảo vệ môi trường, hạn chế việc lồng ghép chính sách xã hội trong các sắc thuế và chính sách miễn giảm thuế. Đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đầu tư điều tiết thu nhập hợp lý”, văn bản nêu.
Theo đó, việc sửa đổi các sắc thuế phải đảm bảo tăng trưởng nguồn thu ngân sách nhà nước trong dài hạn.
Mục đích thứ hai đó là cải cách chính sách thuế để đáp ứng, tương thích và phù hợp với những nội dung ưu đãi mà các Luật này mới được Quốc hội ban hành như Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật đầu tư, Luật khoáng sản... góp phần định hướng sản xuất và tiêu dùng, nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích người nộp thuế mở rộng sản xuất kinh doanh theo chính sách phát triển của Nhà nước trong giai đoạn sắp tới trên cơ sở thu hẹp diện ưu đãi theo ngành, lĩnh vực, qua đó góp phần mở rộng cơ sở thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu, đặc biệt trong bối cảnh các khoản thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do thực hiện các cam kết quốc tế.
Thứ ba, việc sửa đổi, bổ sung phải đảm bảo đúng bản chất của từng sắc thuế, đảm bảo tính nhất quán, rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho người nộp thuế và tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đó tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Bộ Tài chính khẳng định việc sửa đổi các sắc thuế là đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển, với cam kết tại các thỏa thuận và Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc đang trong quá trình đàm phán để ký kết, tham gia, qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam và tăng việc làm cho người lao động, chống thất thu ngân sách nhà nước, chống gian lận thương mại, chuyển giá…