Vietstock - Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu năm 2025 tăng trưởng 12%
Dự kiến xuất khẩu cả năm 2024 ước đạt trên 404 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2023. Sang năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục đặt ra mục tiêu thách thức với xuất khẩu tăng trưởng khoảng 12% so với năm 2024.
Dự kiến xuất khẩu năm 2025 sẽ tăng trưởng 12%
|
Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành Công Thương, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho biết: Năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đã có sự phục hồi mạnh mẽ, là điểm sáng trong kinh tế cả nước năm 2024. Các cuộc xung đột quân sự và bất ổn chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, kinh tế Việt Nam đã duy trì đà tăng trưởng tích cực.
Xuất khẩu tăng trưởng mức cao
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ở mức cao với sự phục hồi tích cực của các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực.
Dự kiến xuất khẩu cả năm 2024 ước đạt trên 404 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với năm 2023. Xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 14.7%; trong đó máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; gỗ và sản phẩm gỗ tăng trên 20%. Xuất khẩu Dệt may, giày dép tăng trên 10%. Xuất khẩu thuỷ sản phục hồi mạnh, tăng trên 10%; rau quả tăng trên 20%.
Cục Xuất nhập khẩu nhìn nhận, hầu hết các thị trường xuất khẩu đã phục hồi và tăng trưởng tốt, các thị trường đã kí kết FTA với Việt Nam đều đạt tăng trưởng cao. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu với mức cao trên 24 tỷ USD, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và ổn định vĩ mô.
Đáng nói, xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước năm vừa qua đang phục hồi tốt. Cả khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đều ghi nhận tăng trưởng về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 105.5 tỷ USD, tăng 19.5%, cao hơn mức tăng trưởng của khu vực FDI (12.6%).
Cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động xuất nhập khẩu
Năm 2024, Cục Xuất nhập khẩu đã có đóng góp trong công tác xây dựng thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hoá thương mại, phát triển dịch vụ logistics, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đồng thời quản lý rủi ro. Bộ Công Thương đã rà soát, điều chỉnh phù hợp cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) ưu đãi trên môi trường điện tử.
Từ ngày 1/1/2024, Bộ Công Thương đã thực hiện việc cấp 13 mẫu C/O điện tử cho doanh nghiệp bao gồm: AANZ, AJ, E, AHK, RCEP, CPTPP, VJ, VC, VN-CU và S. Đối với C/O mẫu D và C/O mẫu AK, VK (sang Hàn Quốc), và đã chủ trì phối hợp với Bộ Tài Chính (Tổng cục Hải quan) thực hiện việc truyền dữ liệu C/O điện tử. Việc cấp C/O điện tử đã góp phần tích cực giúp giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí sẽ được phân loại vào "luồng xanh", giảm thời gian duyệt cấp C/O cũng như các chứng từ phải xuất trình. Các doanh nghiệp có vi phạm về xuất xứ hàng hóa bị phân loại vào "luồng đỏ". Tùy mức độ vi phạm, các doanh nghiệp thuộc "luồng đỏ" phải chịu sự kiểm tra, xác minh chặt chẽ hơn, thậm chí kiểm tra từng lô hàng xuất khẩu trước khi xem xét, cấp C/O ưu đãi. Đối với những nhóm hàng thuộc danh mục cảnh báo, có nguy cơ gian lận xuất xứ, các cơ quan, tổ chức cấp C/O tăng cường kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa trước khi xem xét, cấp C/O ưu đãi.
Cục Xuất nhập khẩu cũng tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định về thương mại biên giới. Theo đó, để tăng cường quản lý hoạt động thương mại biên giới, thúc đẩy thương mại chính ngạch, Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết hoạt động thương mại biên giới có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/12/2024. Phương thức thanh toán, tiêu chuẩn hàng hóa, chủ thể hoạt động mua bán tại chợ biên giới, xuất nhập cảnh và phương tiện của Việt Nam… là những nội dung được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định quy định về hoạt động thương mại biên giới.
Ngoài ra, Cục cũng tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tham mưu trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo
Mục tiêu thách thức trong năm 2025
Đánh giá hoạt động xuất nhập khẩu năm 2025 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định, Cục Xuất nhập khẩu kể ra một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu của đất nước như: Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ chỉ thực hiện 2 lần giảm lãi suất trong năm 2025, sau khi đã hạ lãi suất tổng cộng 1 điểm phần trăm kể từ tháng 9; Khủng hoảng tại Trung Đông đã và đang làm cho vận tải hàng hóa trên thế giới và của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn, nhiều nước có các biện pháp đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại. Các thị trường phát triển như EU chú trọng đến phát triển bền vững, hiện đã và đang đưa ra nhiều quy định mới như Cơ chế điều chỉnh carbon, Quy định chống phá rừng châu Âu,... có tác động đến một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nước ta.
Đặc biệt, Cục Xuất nhập khẩu cũng nhận định biến động chính sách thương mại của các nước lớn khi Mỹ bước vào nhiệm kỳ Tổng thống mới là yếu tố tác động mạnh và khó đoán định.
"Trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, Bộ Công Thương vẫn thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cao, đặt ra mục tiêu thách thức với tăng trưởng xuất khẩu năm 2025 đạt khoảng 12% so với năm 2024. Đây có thể nói là con số rất thách thức, vì như vậy trung bình mỗi tháng xuất khẩu phải tăng 4 tỷ USD/tháng so với mức bình quân tháng năm 2024", lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu thông tin.
Để đạt được mục tiêu này, Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, ngành Công Thương rất cần sự triển khai đồng bộ của các Bộ, ngành, địa phương và sự tham gia của cộng động doanh nghiệp xuất nhập khẩu, trong đó chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định; Tăng cường các hoạt động cung cấp thông tin thị trường trên nền tảng số cho các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp; Hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại mới tại các thị trường nhập khẩu.
Đơn vị này cũng đề xuất Bộ trưởng Bộ Công Thương kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu:
Thứ nhất, thúc đẩy EU sớm gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam;
Thứ hai, xây dựng các chính sách, khuôn khổ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường thực phẩm halal;
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ một cách thực chất, qua đó nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu;
Thứ tư, có biện pháp hỗ trợ người dân trồng cà phê, cao su, trồng rừng chuẩn bị xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thực hiện trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của EU.
Thứ năm, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp, tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh; đồng thời không để tỷ giá tăng nhanh, gây khó khăn cho hoạt động nhập khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm phục vụ sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp.
Nhật Quang