Vietstock - Ảnh hưởng từ quyết định giảm lãi suất của Fed đến Việt Nam
Chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) luôn có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với kinh tế thế giới, bao gồm cả Việt Nam. Vì thế, quyết định cắt giảm lãi suất 0.5% trong cuộc họp tuần trước của Fed sẽ mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam cụ thể: (1) áp lực về tỷ giá sẽ được giảm bớt, (2) Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế và (3) thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Tác động lên tỷ giá và chính sách tiền tệ
Việc Fed giảm 0.50% lãi suất sẽ giúp tỷ giá VND (HM:VND)/USD trở nên ổn định hơn. Trước đây, khi Fed duy trì lãi suất ở mức cao, vô hình trung làm nhu cầu nắm giữ đồng USD của nhà đầu tư và doanh nghiệp tăng lên. Theo đó, nếu giữ đồng USD có thể nhận được lãi suất cao hơn so với nắm giữ VND. Điều này tạo áp lực lên tỷ giá VND/USD. Nhưng với sự điều chỉnh lãi suất lần này, đồng USD sẽ mất giá so với các đồng tiền khác trong đó có VND. Do đó, tỷ giá có thể sẽ suy giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, khi tỷ giá hối đoái có xu hướng giảm cũng cho phép Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn để hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, trong giai đoạn trước, để giảm áp lực lên tỷ giá VND/USD, NHNN phải tăng lãi suất liên ngân hàng để giảm chênh lệch lãi suất thực giữa USD và VND, điều này giúp giảm nhu cầu với đồng USD và giảm áp lực lên tỷ giá. Việc tăng lãi suất này vô tình cũng gây áp lực lên các chính sách hỗ trợ kinh tế của NHNN. Hiện tại với áp lực tỷ giá giảm bớt, NHNN sẽ có nhiều công cụ hơn để hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, NHNN có thể cắt giảm chi phí vốn trong ngắn hạn bằng cách giảm lãi suất với các hợp đồng tái cấp vốn ở các kỳ hạn ngắn.
Xu hướng tỷ giá của một số đồng tiền trong khu vực so với USD
Nguồn: Bloomberg. Ghi chú: Tỷ giá được chuẩn hóa với giá trị 100 vào ngày 31/12/2023
|
Dòng vốn đổ vào Việt Nam
Việc Fed hạ lãi suất cũng khiến các doanh nghiệp FDI (Đầu tư trực tiếp nước ngoài) có xu hướng chuyển đổi USD thành VND. Các doanh nghiệp này có nguồn thu và chi bằng cả đồng USD và VND, để tối đa lợi ích, các doanh nghiệp thường tính toán vị thế giữa đồng USD và VND. Khi Fed giữ lãi suất ở mức cao, các doanh nghiệp này sẽ giữ nguồn vốn ở đồng USD để tận dụng mức lãi suất cao nhằm tối ưu hóa lợi ích.
Tuy nhiên, khi Fed giảm lãi suất thì (1) lãi suất với vị thế đồng USD không còn quá hấp dẫn như trước và (2) đồng USD sẽ có xu hướng mất giá so với đồng tiền khác. Điều này khiến việc giữ đồng USD có thể không còn hấp dẫn như trước. Vì thế, các doanh nghiệp FDI sẽ có xu hướng chuyển dịch dòng vốn này vào Việt Nam. Điều này có thể làm gia tăng nguồn cung ngoại tệ và củng cố thêm niềm tin vào VND.
Bên cạnh đó, với mức lãi suất cao trước đây, chênh lệch lãi suất giữa USD và VND ở mức cao, nên dòng vốn gián tiếp sẽ có xu hướng chuyển dịch sang đồng USD để tìm kiếm lợi nhuận. Khi Fed giảm lãi suất, áp lực về tỷ giá giảm sẽ khuyến khích dòng vốn ngoại quay trở lại. Điều này không chỉ giúp thị trường chứng khoán phục hồi mà còn thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài.
Giá trị mua/bán ròng của nhà đầu tư ngoại trên thị trường chứng khoán
Nguồn: Fiinx
|
Ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu
Ảnh hưởng từ việc giảm lãi suất đến xuất khẩu có thể phức tạp hơn. Thông thường, khi đồng USD điều chỉnh sẽ tạo áp lực lên xuất khẩu vào thị trường Mỹ, do người dân Mỹ phải bỏ nhiều tiền hơn để mua hàng hóa từ nước ngoài. Tuy nhiên, với Việt Nam câu chuyện có thể phức tạp hơn.
Theo đó, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam có xu hướng nhập khẩu nguyên vật liệu từ nước ngoài về để sản xuất hoặc gia công và sau đó xuất khẩu. Hoạt động này tạo ra dòng thu và chi bằng đồng USD nhưng với thời gian thu/chi khác nhau. Với tỷ giá giảm, có thể tạo lợi thế giảm chi phí mua nguyên liệu từ nước ngoài, nhưng gây áp lực lên nhu cầu xuất khẩu do giá bán tăng lên. Tác động này có thể khó dự đoán.
Bên cạnh đó, với người tiêu dùng ở Mỹ, quyết định của Fed làm lãi suất cho vay giảm giúp chi phí mua hàng hóa ở Mỹ giảm (theo hướng chi phí tài chính giảm). Điều này làm nhu cầu tiêu dùng ở thị trường Mỹ tăng. Trong khi đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nên nhu cầu xuất khẩu sang thị trường này có thể tăng, hứa hẹn một tương lai sáng sủa cho các ngành công nghiệp chủ lực.
Trần Trương Mạnh Hiếu