Vietstock - 3 nhóm ngành nào sẽ thu hút vốn FDI trong tương lai?
Theo như báo cáo “Triển vọng thương mại và dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam”, CTCK Rồng Việt (VDS (HM:VDS)) cho rằng nhóm hàng thâm dụng lao động, nhóm hàng chế biến, giao thương trong khu vực và nhóm hàng sáng tạo toàn cầu sẽ thu hút đầu tư trong tương lai.
Vốn FDI đăng ký tăng mạnh nhưng phân bổ thiếu tập trung
Trong báo cáo, VDS cho thấy góc nhìn lạc quan về dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam. Trong kịch bản tích cực, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực vào năm 2020, Việt Nam thực sự sở hữu những lợi thế cạnh tranh lớn so với các nước khác trong khu vực nhằm hấp dẫn các nhà đầu tư.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, vốn FDI đăng ký mới tại Việt Nam đạt 6.5 tỷ USD, tăng 38.7% so cùng kỳ năm trước; số dự án mới đạt 1,363 dự án, tăng 26.7%. Trong 5 tháng còn có 3,160 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 7.65 tỷ USD, gấp 2.8 lần so với cùng kỳ năm 2018.
Dòng vốn FDI tập trung chủ yếu vào hoạt động chế biến chế tạo với các dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất lốp xe, thiết bị điện tử, dệt may. Số lượng các dự án tầm trung, quy mô 100 - 500 triệu USD, tăng đáng kể.
FDI đăng ký mới theo tỉnh/thành có sự phân bổ khá rộng và thiếu tập trung so với các năm trước. Điển hình như dự án sản xuất lốp xe của Trung Quốc ở Tây Ninh và Tiền Giang, dự án sản xuất vải và nhuộm vải dệt tại Nghệ An. Do đó, VDS không loại trừ khả năng yếu tố chi phí lao động, chính sách môi trường và chính sách ưu đãi là những điểm nhấn thu hút doanh nghiệp.
Chủ trương hiện nay của Chính phủ vẫn hướng tới sàng lọc và hạn chế các dự án FDI gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, mức độ áp dụng ở các tỉnh/thành khá phân hóa và chủ yếu tập trung tại Hà Nội, Hồ Chí Minh.
Triển vọng vốn FDI vào Việt Nam
Trong các năm tới, VDS đánh giá cao triển vọng thu hút vốn đầu tư FDI vào Việt Nam. Việc ký kết thành công các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới sẽ thúc đẩy Việt Nam trở thành ngôi sao sáng trong khu vực.
Dựa trên thế mạnh hiện tại của Việt Nam và phân loại chuỗi giá trị sản xuất, VDS cho rằng các dự án đầu tư sẽ đến từ 3 nhóm chính, gồm nhóm hàng thâm dụng lao động (dệt may và đồ gỗ), nhóm hàng chế biến, giao thương trong khu vực (thực phẩm, giấy, nhựa và cao su, sản phẩm kim loại, vật liệu xây dựng) và sáng tạo toàn cầu (sản xuất máy tính, điện thoại, linh kiện điện tử). Trong đó, nhóm cuối cùng chủ yếu dựa vào chuỗi giá trị tạo thành bởi các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung, LG, Microsoft (NASDAQ:MSFT),…
Những cơ hội dường như khá rõ ràng, tuy nhiên, khả năng hiện thực hóa cơ hội đó đến đâu còn phụ thuộc vào cách tiếp cận của khu vực doanh nghiệp nói riêng và định hướng, chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Theo VDS, lợi thế về nhân công đang dần suy yếu khi tầm quan trọng bị san sẻ với những yếu tố khác như kỹ năng lao động, tài nguyên thiên nhiên, vị trí gần thị trường tiêu thụ và cơ sở hạ tầng.
Với xu hướng thay đổi của chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, bản thân các doanh nghiệp cần có nhìn nhận đúng “international trade concept” (tạm dịch: khái niệm thương mại quốc tế) và sự đầu tư phù hợp nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh và hiện thực hóa cơ hội.
Minh Nhật