Vietstock - Giảm 14 lần liên tiếp, giá thép xây dựng xuống mức 14 triệu đồng/tấn
Chuỗi giảm giá thép xây dựng vẫn chưa chấm dứt, với các hãng thép lớn công bố giảm tiếp 140,000-200,000 đồng/tấn với thép thanh vằn.
Theo số liệu từ Steel Online, thương hiệu Thép Hòa Phát (HM:HPG) tại miền Bắc giảm tiếp 140,000 đồng/tấn với dòng thép thanh vằng D10 CB300 xuống mức 14.24 triệu đồng/tấn; dòng thép cuộn CB240 được giữ nguyên ở mức giá 14.04 triệu đồng/tấn.
Tại miền Nam, Thép Hòa Phát cũng giảm 150,000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, đưa giá bán về mức 14.19 triệu đồng/tấn; giá thép cuộn CB240 vẫn giữ ở mức 14.14 triệu đồng/tấn.
Với thép Việt Mỹ, thép thanh vằn D10 CB300 bị giảm 160,000 đồng/tấn về mức giá 13.8 triệu đồng/tấn; thép cuộn CB240 bị giảm 50,000 đồng/tấn, xuống mức giá 13.8 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Ý giảm 150,000 đồng/tấn với dòng thép thanh vằn D10 CB300, nhưng giữ nguyên với dòng thép cuộn CB240. Hiện giá thép thanh vằn D10 CB300 còn 13,99 triệu đồng/tấn; thép cuộn CB240 ở mức 13.74 triệu đồng/tấn.
Thép Việt Đức tại miền Bắc cũng điều chỉnh giảm 150,000 đồng/tấn với sản phẩm thanh vằn D10 CB300, về mức giá 14.09 triệu đồng/tấn. Còn sản phẩm thép cuộn CB240 của thương hiệu này vẫn có giá bán là 13.84 triệu đồng/tấn.
Tương tự, Thép Việt Sing tại miền Bắc cũng giảm 150,000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, giá xuống 13.91 triệu đồng/tấn; thép cuộn CB240 được giảm 210,000 đồng/tấn, về còn 13.8 triệu đồng/tấn.
Thương hiệu Thép miền Nam cũng điều chỉnh giảm 150,000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300, về mức giá 14.77 triệu đồng/tấn; sản phẩm thép cuộn CB240 được giảm tới 410 đồng/tấn, giá bán còn 14.41 triệu đồng/tấn.
Thép Pomina tại miền Nam điều chỉnh giảm 410,000 đồng/tấn với thép thanh vằn D10 CB300 và giảm 310,000 đồng/tấn với thép cuộn CB240.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, giá thép xây dựng trong nước ghi nhận 14 lần giảm liên tiếp, tuỳ thương hiệu mà tần suất điều chỉnh giá khác nhau.
Tiêu thụ thép còn ảm đạm
Chuỗi giảm giá của thép xây dựng được đặt trong bối cảnh tiêu thụ vẫn còn yếu.
Theo thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phạm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh.
Đại diện Hiệp hội này cho biết nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước yếu nên các nhà máy cạnh tranh liên tục, điều chỉnh giá bán giảm dần. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chưa có tín hiệu khả quan trở lại, một vài dự án nhà ở xã hội cũng mới được triển khai chưa nhiều.a
Lũy kế 6 tháng đầu năm, sản lượng thép xây dựng sản xuất đạt gần 5 triệu tấn, giảm 25.5% so với cùng kỳ 2022. Lượng tiêu thụ đạt gần 5.1 triệu tấn, giảm 22.7% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó xuất khẩu đạt 831,000 tấn, giảm 38%.
“Đây là tình hình khó khăn chung của toàn ngành thép khi giá liên tục giảm từ đầu quý 2 cho tới nay, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu thấp khiến các doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất," đại diện VSA cho hay.
Thiên Vân