Vietstock - Xuất khẩu thủy sản sang EU vẫn "ảm đạm"
Việc Việt Nam bị EU cảnh báo thẻ vàng đã tác động làm giảm xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác sang EU thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm.
Xuất khẩu tôm và hải sản của Việt Nam đang có xu hướng sụt giảm. Việt Nam có thể sẽ không đạt được kế hoạch kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD đề ra cho năm nay.
Kim ngạch đang có chiều hướng giảm sâu
Hiện, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tập trung vào 3 mặt hàng chính, chiếm tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu cao, lần lượt là tôm, cá tra và cá ngừ. Nếu 1 trong 3 mặt hàng này, đặc biệt là tôm có sự trồi sụt về kim ngạch, ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản.
Dù xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng mạnh, xuất khẩu các mặt hàng khác như cá ngừ, cá biển khác cũng tăng nhẹ nhưng không đủ bù đắp mức sụt giảm của xuất khẩu tôm.
|
Đáng chú ý, xuất khẩu tôm vẫn duy trì xu hướng sụt giảm mạnh từ Quý II/2018 đến nay. Trong tháng 7 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu tôm giảm tới 20% so với cùng kỳ và tiếp tục giảm 17% trong tháng 8, chỉ đạt khoảng 345 triệu USD.
Dù xuất khẩu cá tra vẫn tăng trưởng mạnh, xuất khẩu các mặt hàng khác như cá ngừ, cá biển khác cũng tăng nhẹ nhưng không đủ bù đắp mức sụt giảm của xuất khẩu tôm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), việc Việt Nam bị EU cảnh báo thẻ vàng đã tác động làm giảm xuất khẩu các sản phẩm thủy sản khai thác sang EU thời gian qua và dự báo sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm, điều này sẽ tác động đến kết quả xuất khẩu hải sản nói chung.
Cụ thể theo VASEP, ngày 23/10/2017, EU chính thức đưa ra cảnh báo thẻ vàng IUU đối với Việt Nam. Nguyên nhân mà EU đưa ra là những nỗ lực của Việt Nam chưa đủ để chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Điều này ảnh hưởng xấu tới tới tình hình xuất khẩu hải sản sang EU.
Theo đó, xuất khẩu các mặt hàng mực, bạch tuộc, cua ghẹ, cá biển sang EU sẽ tiếp tục giảm mạnh do vướng mắc trong thủ tục chứng nhận xác nhận nguồn gốc khai thác theo quy định IUU.
Các sản phẩm hải sản của Việt Nam được xuất khẩu sang 177 thị trường trên thế giới. Trong đó, EU luôn là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong 5 năm qua. Giá trị xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU trong giai đoạn này dao động từ 350 – 400 triệu USD/năm, chiếm 16 -17% tổng xuất khẩu hải sản của Việt Nam.
Tính đến hết tháng 7, tổng xuất khẩu hải sản của Việt Nam vẫn tăng 7,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các chỉ số tăng trưởng từng mặt hàng đều thấp hơn so với cùng kỳ năm năm ngoái và có xu hướng tăng trưởng chậm lại qua từng tháng.
Trong khi đó, xuất khẩu hải sản sang EU có chiều hướng giảm sâu và liên tục từ khi Việt Nam bị nhận thẻ vàng. Giá trị xuất khẩu hải sản sang EU giảm xuống còn 12-15% tổng xuất khẩu hải sản của cả nước trong giai đoạn này.
Xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường EU duy trì tốc độ tăng trưởng hai con số, trừ tháng 12/2017, 2/2018 và 4/2018.
Đối với xuất khẩu mực, bạch tuộc sang thị trường EU giảm sâu từ 9 - 40%. Tổng giá trị xuất khẩu nhóm sản phẩm này sang EU trong 7 tháng đầu năm nay đạt 46 triệu USD, giảm 27%, chiếm 13%.
Tháo gỡ nút thắt
Theo bà Lê Hằng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại – Hiệp Hội xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc EC rút thẻ vàng IUU với hải sản Việt Nam đã gây ra nhiều tác động xấu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc xuất khẩu sang thị trường EU, thậm chí có thể gây ra hiệu ứng dây chuyền tại nhiều thị trường xuất khẩu khác.
Phân tích về nguy cơ này, lãnh đạo Trung tâm Đào tạo và Xúc tiến thương mại (VASEP) cho hay, trước mắt lượng hải sản xuất khẩu sang EU sẽ giảm. Về lâu dài, các khách hàng của thị trường này sẽ có tâm lý e ngại sản phẩm của Việt Nam và có thể ngừng mua hải sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, với việc bị rút thẻ vàng IUU, hải sản của Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng từ các thị trường xuất khẩu khác. Các thị trường này có thể sẽ áp dụng các chương trình kiểm soát nghiêm ngặt hơn đối với các nước bị thẻ vàng.
Ngoài ra, trong thời gian bị rút thẻ vàng, tất cả container hải sản nhập khẩu của Việt Nam cũng bị giữ lại để kiểm tra từ 3-4 tuần. Điều này mất rất nhiều thời gian của doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí kiểm tra, chưa kể các chi phí lưu cảng khác, thậm chí có thể bị trả về.
“Thiệt hại trước mắt đối với các doanh nghiệp là rất lớn. Thậm chí, nếu những nỗ lực khắc phục của Việt Nam không được EC ghi nhận thì hải sản Việt Nam có thể phải nhận thẻ đỏ IUU. Việc này đồng nghĩa với việc bị cấm xuất khẩu sang EU”, bà Lê Hằng nhận định.
Để được EC ghi nhận và xóa bỏ thẻ vàng IUU, theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản – Tổng Cục Thủy sản, Việt Nam cần giải quyết dứt điểm 3 vấn đề. Đó là, phải ngăn chặn được tàu cá Việt Nam khai thác bất hợp pháp ở nước ngoài.
Trong nỗ lực của mình, Việt Nam đã hạn chế được tình trạng khai thác trái phép trong vùng biển ngoài khơi Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tại các vùng biển chồng lấn hoặc đang có tranh chấp giữa Việt Nam và các nước khác như Indonesia, Thái Lan, Malaysia…vẫn còn tình trạng tàu cá của Việt Nam bị các nước này bắt giữ.
“Đây là điều vô cùng bất lợi bởi dù tàu cá của Việt Nam không đánh bắt bất hợp pháp nhưng việc bị bắt giữ khiến hình ảnh và lòng tin của EC đối với Việt Nam sẽ bị giảm sút. Nếu như vấn đề chủ quyền trên biển vẫn chưa được làm sáng tỏ thì việc khắc phục thẻ vàng IUU là rất khó khăn”, ông Phạm Ngọc Tuấn nêu ý kiến.
Cùng với đó, Việt Nam cũng cần tổ chức đội tàu phù hợp với nguồn lực của mình. Ông Phạm Ngọc Tuấn cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị giấy xác nhận nguồn gốc một cách trung thực, khách quan đối với tất cả những lô hàng xuất khẩu sang châu Âu để tạo niềm tin của thị trường này đối với hải sản Việt Nam.
Trong khi đó, bà Courtney Farthing, Thành viên Dự án chống khai thác bất hợp pháp của Tổ chức Pew Trusts cho hay, việc lấy được thẻ xanh IUU của EC là rất khó bởi đơn vị này có nhiều quy định nghiêm ngặt đối với các quốc gia bị rút thẻ vàng IUU.
Thực tế, một số nước, vùng lãnh thổ như Thái Lan, Trinidad and Tobago, Đài Loan (Trung Quốc)…dù đã bị rút thẻ vàng IUU từ năm 2015 nhưng đến nay vẫn chưa thể lấy được thẻ xanh IUU. Do vậy, theo bà Courtney Farthing, trước mắt Việt Nam cần có những cải thiện để EC thấy được nỗ lực của mình, tránh tình trạng bị rút thẻ đỏ IUU.
Nha Trang