Vietstock - Văn phòng Chính phủ có công văn hỏa tốc về kiến nghị nhập 600.000 tấn đường
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ nghiên cứu xem xét kiến nghị, bảo đảm nguồn cung đường cho thị trường trong nước, hài hòa lợi ích của người trồng mía, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Văn phòng Chính phủ vừa có công văn hỏa tốc gửi Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về việc điều hành nhập khẩu mặt hàng đường theo hạn ngạch thuế quan năm 2023.
Xét đề nghị của Hội Lương thực thực phẩm TP.HCM (LTTP), Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ trên theo chức năng nhiệm vụ được giao, nghiên cứu, xử lý theo đúng quy định, thẩm quyền và cam kết quốc tế. Các đơn vị báo cáo kết quả xử lý trong tháng 8.
Đường nội và nhập khẩu chính ngạch chỉ đáp ứng 50% nhu cầu
Theo công văn Hội LTTP TP.HCM, xung đột chính trị kèm nhiều lý do vĩ mô khác đã đẩy giá LTTP tại nhiều nước lên cao. Một trong những hàng hóa chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của làn sóng bảo hộ LTTP là đường với các quyết định hạn chế xuất khẩu từ Ấn Độ, Braxin… dẫn đến mối lo ngại khủng hoảng nguồn cung đường.
Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng sản lượng đường sản xuất cả nước niên vụ 2022-2023 chỉ đạt 871.000 tấn.
Số liệu dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho thấy lượng tiêu thụ đường Việt Nam năm 2023 ước 2,389 triệu tấn, bình quân gần 200.000 tấn/tháng.
Như vậy, lượng đường sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được bốn tháng nhu cầu tiêu dùng.
Song song đó, dự báo lượng đường nhập khẩu chính ngạch của Việt Nam năm 2023 khoảng 319.070 tấn. Trong đó nhập khẩu đường trắng, đường thô ngoài hạn ngạch thuế quan của Việt Nam là 200.000 tấn. Đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan Việt Nam cam kết WTO dự kiến 119.000 tấn.
Tổng lượng đường sản xuất trong nước và đường dự kiến nhập khẩu chính ngạch chỉ đáp ứng 50% nhu cầu tiêu thụ năm 2023.
Người tiêu dùng mua đường ở siêu thị. Ảnh: TÚ UYÊN |
Cần nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn đường
Để giải quyết khó khăn trên, bên cạnh tiếp tục triển khai đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập 119.000 tấn đường theo cam kết với WTO, Hội LTTP kiến nghị bổ sung thêm lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu tối thiểu 600.000 tấn để đảm bảo cân đối cung cầu trong nước.
Con số này được đưa ra trên cơ sở thiếu hụt 1,199 triệu tấn trừ đi khoảng 600.000 tấn đường nhập khẩu theo đường không chính thức.
Lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu sẽ được thực hiện thông qua đấu giá theo quy định tại Thông tư 11/2022 của Bộ Công Thương.
Do vậy, Hội đề xuất thời gian tổ chức đấu giá đợt một 119.000 tấn theo cam kết với WTO và bổ sung 200.000 tấn ngay trong tháng 8 nhằm phục vụ tết Trung thu. Đợt hai bổ sung 300.000 tấn trong tháng 9 chuẩn bị phục vụ mùa vụ tết Nguyên đán.
Hiện tại giá đường thế giới đang tăng cao nhất trong 11 năm qua và tăng rất nhanh. Điều này kéo theo DN sản xuất đường Việt Nam chịu giá và chi phí nhập khẩu rất cao.
“Chúng tôi khẳng định việc sớm tiến hành đấu giá hạn ngạch thuế quan nhập khẩu theo cam kết WTO và bổ sung hạn ngạch thuế quan nhập khẩu hàng năm sẽ giúp tránh mất cân bằng cung cầu, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm hiện tại” - công văn nhấn mạnh
Ngành thực phẩm khó mua được đường trong nước Tình trạng thiếu nguồn nguyên liệu mía đang rất đáng báo động. Nhiều năm qua, các nhà máy đường trong nước chịu các tác động kép dịch bệnh COVID-19, sức ép từ đường lậu, vùng nguyên liệu mía cả nước đang có dấu hiệu suy giảm khi cây mía cạnh tranh với cây trồng khác. Không có nhà máy sản xuất đường nào trong nước có thể cung ứng đường thô ra thị trường do chính các nhà máy cũng thiếu nguồn nguyên liệu. Trong khi đường là nguyên liệu chính trong sản xuất, quyết định chất lượng thực phẩm. Việc thiếu đường thô/đường nguyên liệu trong nước buộc DN phải tìm, phụ thuộc nhiều vào nguồn đường nhập khẩu đã đẩy chi phí đầu vào tăng mạnh. Để duy trì sản xuất, các DN sẽ phải tăng giá sản phẩm, người tiêu dùng là gánh chịu tác động nặng nề nhất. |
TÚ UYÊN