Vietstock - Vàng có thể chạm mốc 1,500 USD không?
Tính từ đầu năm 2017 đến nay, giá vàng đã leo dốc gần 8% – gần bằng mức tăng trong cả năm 2016, MarketWatch đưa tin.
Điều này chẳng có gì bất ngờ đối với ông Frank Holmes, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc đầu tư tại U.S. Global Investors. Ông Holmes nhận thấy có nhiều lý do để vàng có thể tăng cao hơn nữa – có khả năng lên cao nhất là 1,500 USD/oz, tức tăng 20% so với mức hiện tại với gần 1,250 USD/oz.
Trên thực tế, triển vọng lạc quan của vàng là lý do chính giải thích tại sao tổ chức U.S. Global Investors lại dự định triển khai quỹ ETF vàng đầu tiên trong tuần này.
Gold & Precious Metals Fund (USERX) – thuộc sự quản lý U.S. Global Investors – là một trong 10 quỹ có thành quả tốt nhất trong giới quỹ ETF vàng với tổng tỷ suất sinh lợi trong 5 năm là -7.3%, dữ liệu từ Morningstar cho thấy. Việc các quỹ ETF có tỷ suất sinh lợi âm cũng khá dễ hiểu vì trong giai đoạn từ năm 2012-2015 giá vàng đã sụt giảm gần 37% trong giai đoạn từ năm 2012-2015.
Ông Holmes cho biết: “Vàng đang phản ứng với các yếu tố chi phối nhu cầu điển hình như là sự bất ổn địa chính trị, đà suy yếu của đồng USD, lãi suất thấp. Có lẽ, một trong những điều sốc nhất là trong tuần trước là vàng đã có thành quả cao hơn đồng USD lần đầu tiên kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/2016”.
Các hợp đồng vàng tương lai dao động dưới mốc 1,250 USD/oz trong ngày thứ Hai, nhưng chúng vẫn tăng 8% trong năm 2017. Được biết, giá vàng vẫn chưa dao động trên 1,500 USD/oz trong hơn 4 năm qua.
Ông Holmes cho biết đồng USD đã suy yếu do chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục bị trì hoãn. Điều này là một trong những yếu tố ảnh hưởng mạnh nhất đến thị trường vàng.
Bên cạnh đó, ông tin rằng quan điểm của Fed sẽ mang quan điểm “bồ câu” (dovish) hơn dự báo. Dẫu vậy, Fed sẽ vẫn nâng lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm 2017 và nâng nhiều hơn trong năm 2018. Ngoài ra, cơ quan này còn dự định bắt đầu cắt giảm số dư trên bảng cân đối kế toán trước khi kết thúc năm nay.
Và rủi ro địa chính trị, sự bất ổn xuất phát từ Brexit và các chính sách của Donald Trump cho đến sự hỗn loạn ở vùng Trung Đông đều là các yếu tố hỗ trợ đến vàng.
Chính nỗi lo sợ về tình trạng bất ổn địa chính trị và lợi suất Chính phủ ở mức cực thấp đều làm tăng nhu cầu của các kênh trú ẩn an toàn như vàng.
“Tại thời điểm này, với việc lãi suất vẫn còn ở mức thấp lịch sử và lạm phát vẫn trong phạm vi 2%, lợi suất trái phiếu Chính phủ thì thấp hoặc thậm chí là âm trong vài trường hợp. Tại sao nhà đầu tư lại lại muốn rót vốn vào tài sản có lợi suất âm trong vòng 2-5 năm tới?”, ông nói.
“Trong trường hợp này, tôi nghĩ các nhà đầu tư sẽ xem vàng là nơi đáng tin cậy hơn để bỏ tiền vào”, ông chia sẻ.
Theo ông Holmes, nhu cầu vàng đã chạm mức cao kỷ lục ở cả Trung Quốc lẫn Ấn Độ. Sự suy yếu của đồng Nhân dân tệ (NDT) và đà giảm tốc của thị trường bất động sản đã làm gia tăng nhu cầu ở Trung Quốc. Về phía Ấn Độ, trong tháng 5/2017, kim ngạch nhập khẩu vàng tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm trước khi các chuyên viên giao dịch sợ bị đánh thuế cao hơn về đồ trang sức.
Ông Holmes cho biết, nhu cầu mua vàng của các ngân hàng trung ương vẫn khá cao ở Trung Quốc và Ấn Độ.
“Hiện vàng chỉ chiếm 2% trong dự trữ của Trung Quốc, thấp hơn rất nhiều so với Mỹ, nơi vàng chiếm tới 75% dự trữ. Điều này có nghĩa sẽ có khả năng cao là Trung Quốc tiếp tục tích lũy vàng”.
Mặc dù dự báo vàng có thể lên cao nhất là 1,500 USD/oz, nhưng ông cũng không loại trừ trường hợp giá vàng có thể rơi xuống mức 1,000 USD/oz.