Vietstock - Đường mía và biện pháp phòng vệ: Nhìn xuôi và nhìn ngược
Từ kết quả rà soát lần một, Bộ Công Thương vừa quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía do một số công ty Thái Lan sản xuất, xuất khẩu, thời hạn thực hiện từ 18-8-2023 đến 15-6-2026. Phải chăng, đây là thông tin tốt đối với ngành đường trong nước?
Mùa đường vẫn nằm ngoài danh sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ. |
Cụ thể, Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với một số công ty Thái Lan, với mức thuế chống bán phá giá thấp nhất là 25,73% và cao nhất là 32,75%, còn mức thuế chống trợ cấp thấp nhất là 0% và cao nhất là 4,65%. Bộ Công Thương cho biết, thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp là thuế nhập khẩu bổ sung, kể cả nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.
Nhìn xuôi…
Mặc dù tự do hóa thương mại là xu hướng chung, chống bán phá giá, chống trợ cấp và cả tự vệ thương mại vẫn có thể trở thành các biện pháp “bảo hộ” hợp pháp và được nhiều quy chế thương mại quốc tế cho phép quốc gia thành viên áp dụng. Đây là các phương án nhằm kiềm tỏa các hoạt động ngoại thương thiếu lành mạnh cũng như nhằm bảo vệ ngành sản xuất trong nước còn non trẻ. Hơn nữa, chống trợ cấp còn là “tiếng chuông” thúc giục chính phủ các nước cần lựa chọn cách thức ứng xử công bằng đối với doanh nghiệp.
Trước tác động rất lớn của dòng sản phẩm đường mía nhập khẩu trong nhiều năm trước, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra và chính thức áp dụng các loại thuế này từ tháng 6-2021 đối với một số sản phẩm đường mía của các tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu của Thái Lan sau một thời gian áp thuế tạm thời. Mức thuế suất thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp được áp dụng chung thời điểm đó lần lượt là 42,99% và 4,65%.
Thậm chí, ngay sau khi phát hiện sản phẩm đường mía Thái Lan đi đường vòng để vào thị trường Việt Nam, Bộ Công Thương quyết định sử dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế đối với đường mía nhập khẩu từ Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia và Myanmar. Nếu không chứng minh được sản phẩm thật sự có xuất xứ từ các quốc gia này, mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp như trên cũng sẽ được áp dụng.
Chúng ta thấy các quyết định đánh thuế nói trên “có lý” vì giá đường mía nhập khẩu từ Thái Lan quá thấp và thực tế Chính phủ Thái Lan có chính sách hỗ trợ nông dân trồng mía ở nước họ. Nhưng thay vì tiếp tục “đủng đỉnh”, ngành đường trong nước cần tận dụng cơ hội để bứt phá, vươn lên.
Nhìn ngược…
Nhìn chung, ở giai đoạn hiện tại, đường trong nước vẫn được bảo hộ tốt. Trừ các sản phẩm nhập khẩu từ các nước trong khối ASEAN có đầy đủ chứng từ xuất xứ chỉ phải chịu thuế nhập khẩu 5% theo cam kết ưu đãi thuế quan riêng, thuế nhập khẩu đối với một số sản phẩm đường mía hiện nay vẫn ở mức cao, 25% đối với sản phẩm nhập khẩu trong hạn ngạch và 80% đối với sản phẩm nhập khẩu ngoài hạn ngạch.
Nếu thiếu sự chủ động và tích cực của nhà sản xuất trong nước thì các lợi thế ở thời điểm “vàng” như thế này cũng sẽ trôi xuôi. |
Các quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp một lần nữa gia tăng lợi thế cho sản phẩm đường trong nước. Hay nói cách khác, thời gian năm năm (từ 2021-2026) sản phẩm nhập ngoại bị áp dụng biện pháp phòng vệ là… đủ dài để mía đường và đường mía có thêm cơ hội vươn lên.
Nhưng có vẻ như cho đến trước ngày có quyết định tiếp tục áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp sau chu kỳ rà soát lần đầu, các tín hiệu lạc quan vẫn chưa hé lộ dù dự báo trước đó đã từng đặt ra nhiều kỳ vọng cho niên vụ 2022-2023.
Những lo toan về thiếu nguồn cung do năng lực cung ứng của ngành đường trong nước chỉ có thể đáp ứng khoảng hơn 35% nhu cầu cho thị trường vẫn còn song hành với nguy cơ… tồn kho do giá cao.
Đó là chưa kể đến các biểu hiện kinh niên khác của ngành hàng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Do vùng nguyên liệu mía đường vẫn phát triển chậm nên đến mùa vụ vẫn có hiện tượng tranh mua. Nhiều công ty lớn vẫn chưa thật sự lên dây cót gia tăng công suất trong khi trên thực tế tính đến niên vụ vừa rồi toàn ngành chỉ còn 29/40 nhà máy đường hoạt động. Trong lúc đường nhập lậu vẫn chưa bị chặn đứng thì đường trong nước vẫn vướng lo toan về chất lượng sản phẩm, công nghệ sản xuất, chiến lược kinh doanh…
Cần hơn sự hiệp lực
Nếu thiếu sự chủ động và tích cực của nhà sản xuất trong nước thì các lợi thế ở thời điểm “vàng” như thế này cũng sẽ trôi xuôi. Xuất phát từ lịch sử, đa phần các nhà máy đường đều phát triển từ các xí nghiệp mía đường của Nhà nước. Đã được cổ phần hóa và cải tiến, nhưng sự bứt phá của các đơn vị vẫn chưa thật mạnh mẽ. Một số nhà máy lớn đã dần trụ vững nhưng phần nhiều lại sản xuất đường từ… nguyên liệu nhập khẩu.
Hỗ trợ nông dân cũng như trợ giá mía đường cũng là một lựa chọn đã được bàn thảo nhiều. Nhưng nếu thực hiện không khéo thì chính cách thức của chúng ta lại rơi vào vòng xoáy của các trường hợp trợ cấp bị ngăn cấm.
Năm năm trước, bảo hiểm nông nghiệp chính thức xuất hiện ở Việt Nam. Đây không chỉ là giải pháp phòng ngừa rủi ro thiên tai mà còn có thể trở thành giải pháp quan trọng cho những rủi ro của thị trường: được mùa mất giá, được giá mất mùa! Bảo hiểm đối với rủi ro định danh, bảo hiểm mọi rủi ro, bảo hiểm đối với tổn thất về thu nhập, bảo hiểm theo chỉ số năng suất và bảo hiểm theo chỉ số thời tiết… là các dòng sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp đã được gọi tên thời gian qua.
Không dừng lại ở đó, Chính phủ cũng đã quyết định áp dụng chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp. Chỉ có điều, từ cây trồng duy nhất được hưởng chính sách này là cây lúa, từ đầu năm ngoái, phạm vi cây trồng được hưởng ưu đãi được mở rộng đến cây cao su, điều, hồ tiêu và cà phê. Nhưng mía đường vẫn nằm ngoài danh sách này!
Rõ ràng, để ngành đường thật sự phát triển vững bền, ít nhất các lưu ý này cần phải được giải quyết. Đồng nghĩa, ngành mía và đường mía cần có những giải pháp đồng bộ của Nhà nước, nhà sản xuất, cơ quan quản lý như Bộ Công Thương và đương nhiên có cả vai trò của Hiệp hội Mía đường Việt Nam.
Trương Trọng Hiểu (Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM)