Vietstock - Thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng vì phân bón giả
Thống kê cho thấy mỗi năm nước ta phát hiện khoảng 4.000 vụ liên quan đến phân bón giả, phân bón kém chất lượng, nhưng đây cũng chỉ là một phần trong số phân bón giả đang được tiêu thụ. Hiệp hội Phân bón Việt Nam ước tính, mỗi năm nông dân nước ta chịu thiệt hại 2,5 tỷ USD, tương đương với 57.000 tỷ đồng do sử dụng phải phân bón giả, phân bón kém chất lượng…
Theo Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, trong số 1.600 câu hỏi, trăn trở được nông dân thông qua Hội Nông dân gửi tới Thủ tướng trước Hội nghị Thủ tướng đối thoại với Nông dân vừa qua, nhiều nông dân tiếp tục phản ánh thực trạng kinh doanh, buôn bán phân bón giả.
Khổ vì phân bón giả
Nông dân Đào Văn Dĩnh, ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu, nêu tình trạng phân bón giả, kém chất lượng lưu thông trên thị trường tiềm ẩn nhiều hệ lụy, gây thiệt hại cho cả Nhà nước, doanh nghiệp làm ăn chân chính, bà con nông dân thì sống dở, chết dở vì mua phải phân bón giả.
Ông Dĩnh kiến nghị Thủ tướng có giải pháp mạnh hơn trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và xử lý nghiêm tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng, tránh thiệt hại cho nông dân.
Bức xúc về tình trạng phân bón giả, chị Nguyễn Ngọc Minh Thơ ở xã Suối Đá, Huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), cho biết nhiều lúc mua phải phân bón giả, không có chất lượng, cây trồng không phát triển, không có trái hoặc trái không lớn. Rải phân ra một thời gian thấy kết tủa dưới đất, nó đông cứng lại, thiệt hại cho cây trồng. Bị rồi thì né chỗ bán đó ra chứ đâu có ai đền bù thiệt hại cho mình.
Đồng cảnh ngộ, ông Tô Hữu Hạnh ở xã Trường Hòa, thị xã Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh, buồn rầu nói: “Nông dân làm cả 5-6 tháng mới thu hoạch mà nhầm phân bón giả thì không có gì để thu hoạch. Lại nợ nần, lại khổ”.
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong năm 2021, nguồn phân bón nhập khẩu bị đứt gãy do dịch bệnh, khiến giá phân bón liên tục tăng mạnh. Đặc biệt, từ cuối tháng 2/2022 đến nay do xung đột Nga – Ukraine khiến lượng cung và thương mại phân bón trên thế giới giảm đột ngột, càng làm giá phân bón tăng phi mã.
“Hàng năm nước ta sử dụng trên 11 triệu tấn phân bón. Trong đó, có một tỷ lệ phân bón giả gây ra hệ lụy rất lớn cho người nông dân, nếu dùng phân bón giả hàm lượng dinh dưỡng không đạt thì năng suất xuống, gây hại đất, ảnh hưởng môi trường, nguồn nước, công sức của người nông dân cả vụ mất hết”. Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật. |
Trong vòng gần 2 năm qua, giá phân bón đã tăng gấp đôi. Tình trạng này khiến việc gian lận trong sản xuất, kinh doanh phân bón đang diễn biến phức tạp hơn. Có không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp trong nước tung ra nhiều chiêu thức gian lận nhằm thu lợi bất chính.
Giá phân bón tăng vượt quá sức chịu đựng của nông dân, vì vậy nhiều nông dân mua phân bón giá rẻ mà không quan tâm đến thương hiệu và chất lượng, điều này đã trở thành “miếng mồi ngon” cho những thương nhân bất chính.
Tình trạng kinh doanh phân bón dởm, kém chất lượng đã trở nên đáng báo động trong thời gian gần đây, khi đã có hàng nghìn đại lý phân phối phân bón tiếp tay cho phân bón giả. Đứng trước lợi nhuận quá lớn, các cơ sở sản xuất phân bón kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của hàng chục triệu hộ nông dân.
Tăng cường kiểm tra, xử lý
Theo báo cáo của Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), bình quân mỗi năm phát hiện, xử lý hàng nghìn vụ phân bón giả, kém chất lượng. Hàng năm, Tổng cục cũng kiểm tra hàng nghìn hộ kinh doanh phân bón, trong đó có hàng trăm hộ vi phạm (khoảng 42%). Kiểm nghiệm hàng nghìn mẫu phân bón thì có hàng trăm mẫu (khoảng 31%) không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
"Hiện nay, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng… chống đối sự kiểm tra của lực lượng chức năng bằng cách di dời cơ sở sản xuất vào vùng hẻo lánh, thưa thớt dân cư; sau khi sản xuất xong, mang ra thị trường bán ồ ạt vào thời điểm nhất định và xóa sổ luôn xưởng sản xuất đó". Ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). |
Trong 5 tháng đầu năm 2022, các đơn vị thuộc Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, đã phát hiện rất nhiều phân bón giả, phân bón kém chất lượng lưu thông trên thị trường.
Tháng 3/2022, Cục Bảo vệ thực vật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ra quyết định xử phạt đối với 92 doanh nghiệp và hộ kinh doanh vi phạm trong lĩnh vực phân bón, trong đó có 44 doanh nghiệp nhập khẩu phân bón không bảo đảm chất lượng. Các đơn vị chức năng cũng phát hiện 9 doanh nghiệp sản xuất phân bón không đảm bảo chất lượng. Đối với kinh doanh phân bón, đã phát hiện 6 cơ sở buôn bán phân bón không đảm bảo chất lượng, 3 hộ kinh doanh phân bón vi phạm nội dung ghi nhãn, phát hiện một doanh nghiệp không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón.
Bên cạnh đó, cơ quan liên ngành còn phát hiện 11 cơ sở nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 2 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, 5 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật vi phạm nội dung ghi nhãn.
Để chủ động đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón, góp phần bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón. Đồng thời, vận động người dân chủ động tố giác và không tiếp tay cho các đối tượng vi phạm để góp phần hạn chế các hành vi vi phạm. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, rà soát việc thực hiện các quy định về điều kiện kinh doanh, chất lượng, nhãn hàng hóa, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết... Cục Bảo vệ thực vật đề nghị chính quyền các cấp địa phương phối hợp với các cơ quan chuyên ngành ở địa phương tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón phải ký cam kết không kinh doanh phân bón giả, hàng nhập lậu, không đảm bảo chất lượng. Cùng với việc đấu trang chống các hành vi vi phạm pháp luật về phân bón, các Chi cục Bảo vệ thực vật cấp tỉnh và chính quyền các địa phương cần thường xuyên rà soát, cập nhật cơ sở dữ liệu về cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón; theo dõi, nắm chắc tình hình cung cầu, giá cả, phương thức, thủ đoạn của đối tượng vi phạm để chủ động kiểm tra, xử lý triệt để các vụ việc vi phạm. |
Chu Khôi