Vietstock - Sau đề xuất xóa độc quyền, vàng trong nước giảm gần 2 triệu đồng/lượng chỉ sau 1 ngày
Ngày 21/03, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đề xuất bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, ngay sau đó giá vàng SJC lao dốc không phanh khi người dân chốt lời vàng.
* Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng
Đến sáng 22/03, giá vàng SJC công bố tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn chỉ còn 78.2-80.2 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào - bán ra, giảm đến 1.8 triệu đồng/lượng so với chiều ngày 21/03.
Dù cũng giảm nhẹ, giá vàng nhẫn vẫn neo ở giá cao tại 67.9-69.2 triệu đồng/lượng ở chiều mua - bán.
Giá vàng SJC trong nước lao dốc gần 2 triệu đồng/lượng sau 1 ngày
Nguồn: Giavangvietnam
|
Trước tình trạng giá vàng lao dốc gần 2 triệu đồng/lượng, PGS (HN:PGS).TS. Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng thời gian qua, thị trường có nhiều nhu cầu về vàng miếng nhưng lượng cung không tăng. Nhu cầu tiết kiệm, tích trữ của người dân lại ngày càng tăng lên.
Thêm nữa, thời gian qua, các kênh đầu tư cũng gặp nhiều khó khăn, một số bộ phận người dân cũng muốn giữ tài sản, nên quay về mua vàng để tích trữ, từ đó làm cho nhu cầu về vàng miếng tăng, lại càng làm gia tăng khoảng các của giá vàng trong nước và thế giới. Do đó, ông Thịnh đánh giá việc làm cho giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới là vô cùng cần thiết.
Việc bỏ độc quyền vàng miếng và xem xét cho một số thương hiệu đủ điều kiện như NHNN đề xuất là cần thiết, từ đó giúp đáp ứng được mục tiêu cung ứng vàng ra thị trường. Doanh nghiệp nào được cấp phép sản xuất vàng, còn phải đợi Chính phủ thông qua và xem xét, định giá thì mới có thể đưa ra các điều kiện phù hợp.
Khi NHNN đề xuất xóa độc quyền vàng, sẽ giúp cho khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới không còn xa nữa, cũng vì vậy nhà đầu tư cho rằng giá vàng trong nước thời gian tới sẽ giảm, nên tâm lý chốt lời nhiều, dẫn đến tình trạng giá vàng giảm sâu.
Diễn biến giá vàng thế giới từ đầu năm 2024 đến nay
Nguồn: Tradingview
|
Trên thế giới, giá vàng thế giới vẫn tiếp tục tăng sau cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Giá vàng thế giới vượt mốc 2,200 USD/oz lần đầu tiên sau khi Fed duy trì dự báo giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Sau khi lập kỷ lục, sáng 22/03, giá vàng thế giới đã giảm nhẹ.
Thời gian qua, giá vàng nhận được lực đẩy từ nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và các ngân hàng trung ương trên thế giới mua mạnh vàng.
Theo giới chuyên gia, đà tăng này còn xuất phát từ kỳ vọng nới lỏng chính sách tiền tệ ở Mỹ và điều này đã được Fed xác nhận trong ngày 20/03. Chủ tịch Fed Jerome Powell tiếp tục nhấn mạnh sự kiên nhẫn và chờ đợi thêm dữ liệu trước khi ra quyết dịnh.
Trong cuộc họp ngày 21/03, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết trong số những giải pháp đồng bộ quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, giải pháp "Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng" là quan trọng nhất để thay đổi cục diện thị trường vàng miếng sau 12 năm triển khai thực hiện. Ông Hà cho rằng, sau gần 10 năm, nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường hạn chế có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế duy trì ở mức cao. Ông Hà cho biết, NHNN đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện. Ngoài ra, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá. |
Hàn Đông