Vietstock - Đòn giáng mới vào thị trường dầu toàn cầu
Libya chỉ chiếm 3% trữ lượng dầu trên thế giới. Nhưng trong giai đoạn nguồn cung dầu toàn cầu bị siết chặt, mức tăng, giảm sản lượng dầu của Libya tác động lớn tới thị trường.
Theo CNN, thị trường dầu đã dồn sự chú ý vào Libya sau khi nước này tuyên bố sản lượng dầu giảm hơn 1 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.
Đó là tin lớn đối với các nước tiêu thụ dầu, vốn đang chật vật với giá dầu tăng cao. Nga - quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 3 thế giới - đang hứng chịu những đòn trừng phạt từ phương Tây. Điều này tác động đáng kể tới nguồn cung dầu trên toàn cầu. Trong khi đó, nhu cầu đã phục hồi mạnh mẽ khi các quốc gia mở cửa trở lại sau thời kỳ dịch Covid-19.
Theo giới phân tích, mức tăng, giảm nguồn cung dầu từ Libya có tác động lớn đối với lạm phát toàn cầu, vốn đã tăng vọt trong những tháng qua.
Vào tháng 6, sản lượng dầu của Libya giảm còn 100.000 thùng/ngày, lao dốc mạnh từ mức 1,2 triệu thùng/ngày một năm trước đó. Ảnh: Reuters. |
Tác động thị trường toàn cầu
Tuần trước, nói với CNN, Bộ Dầu mỏ Libya tiết lộ sản lượng đã rơi xuống 100.000 thùng/ngày vào tháng 6, giảm mạnh từ mức 1,2 triệu thùng/ngày hồi năm ngoái.
Nhưng đến hôm 20/6, Bộ trưởng Dầu mỏ Mohamed Oun cho biết sản lượng đã tăng lên 800.000 thùng/ngày. Một số mỏ dầu cũng được hoạt động trở lại.
"Trong giai đoạn bình thường, sự tăng giảm sản lượng dầu của Libya sẽ không tác động đáng kể tới thị trường. Nhưng với tình hình hiện tại, những biến động này đủ để giữ giá ở mức cao", ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Singapore - nói với Zing.
Sản lượng biến động liên tục và những mâu thuẫn xoay quanh ngành công nghiệp dầu mỏ của Libya cho thấy lĩnh vực này đang chao đảo.
Khi nguồn cung dầu trên toàn cầu khan hiếm, những thông tin xoay quanh sản lượng dầu của Libya có thể khiến giá dầu thô toàn cầu tăng, giảm đáng kể. Ảnh: Reuters. |
Hôm 16/6, Đại sứ Mỹ tại Libya Richard Norland cho rằng do căng thẳng chính trị ở nước này, một số bên tìm cách giành lợi thế bằng cách đưa ra những số liệu không chính xác.
Ông tố cáo Bộ Dầu mỏ của Libya đưa ra số liệu không chính xác và cho rằng sản lượng thực tế cao hơn đáng kể.
Theo ông Yousef Al Shammari - Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Nghiên cứu dầu tại CMarkits (có trụ sở ở London), Libya chiếm 3% trữ lượng dầu trên thế giới.
Dù là một thành viên OPEC (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa), Libya không bị giới hạn về sản lượng dầu vì cuộc khủng hoảng chính trị tại nước này. Điều này đồng nghĩa với việc Libya có thể khai thác và xuất khẩu bao nhiêu dầu cũng được.
Với vị trí địa lý gần châu Âu, Libya cũng có thể dễ dàng vận chuyển dầu bằng đường biển với tuyến đường ngắn hơn nhiều những quốc gia xuất khẩu dầu khác. Phần lớn dầu của Libya được bán cho châu Âu.
Gián đoạn nghiêm trọng
Câu hỏi đặt ra là trở ngại lớn nhất đối với sản xuất dầu của Libya là gì. Trong cuộc chiến tranh giành quyền lực, các phe phái chính trị tại Libya dùng dầu làm đòn bẩy. Do bất đồng chính trị giữa 2 miền Đông - Tây, những nhóm vũ trang của chính quyền miền Đông đã nhiều lần giành quyền kiểm soát các nhà máy dầu, khiến chúng liên tục bị đóng cửa.
Hầu hết cơ sở hạ tầng và mỏ dầu của Libya nằm ở phía Đông của đất nước.
Trên giấy tờ, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (NOC), có trụ sở tại Tripoli, là đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm soát hoạt động sản xuất và tiếp thị dầu ra nước ngoài.
Hai phe miền Đông - Tây của Libya đã cố giành quyền kiểm soát NOC kể từ năm 2014. Nhưng lĩnh vực này được Bộ trưởng Dầu mỏ Mohammed Oun - thuộc chính quyền miền Tây, do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn - quản lý.
Tuy nhiên, theo nhà phân tích Jalel Harchaoui, ông Oun không nắm nhiều quyền lực và đang vướng vào cuộc tranh giành quyền lực với NOC. Tổ chức này hiện dồn sức để tối đa hóa sản lượng.
Cuộc khủng hoảng chính trị tại Libya làm gián đoạn hoạt động của các nhà máy dầu và cảng ở nước này. Ảnh: Reuters. |
Trong khi đó, dưới sự chỉ huy của Tướng Khalifa Haftar - người đứng đầu lực lượng quân đội miền Đông Libya, các nhóm vũ trang đã nhiều lần làm gián đoạn hoạt động sản xuất của ngành công nghiệp dầu mỏ.
Phe của ông Haftar được Ai Cập, UAE và Nga hậu thuẫn. Theo đại sứ Mỹ Norland, việc sản lượng ở Libya sụt giảm "phục vụ lợi ích của Nga và Moscow ủng hộ điều đó". Tuy nhiên, ông cho rằng tình trạng gián đoạn hiện tại là do các yếu tố trong nước tại Libya.
Đại sứ quán Anh và Mỹ tại Libya đã đề xuất cơ chế giám sát nguồn thu từ dầu mỏ của Libya nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đang làm gián đoạn hoạt động sản xuất.
Khi được hỏi liệu Mỹ có tin tưởng rằng chính phủ do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn có thể mang lại sự ổn định cho sản lượng dầu hay không, ông Norland tuyên bố: "Không một thực thể chính trị nào có thể nắm quyền kiểm soát chủ quyền đối với toàn bộ lãnh thổ của Libya, bao gồm các mỏ dầu".
Thảo Phương