Vietstock - Nóng lòng nhìn giá gạo tăng
Sau khi Việt Nam tạm ngưng xuất khẩu gạo, Thái Lan đã đẩy giá gạo lên cao, các doanh nghiệp Việt nóng lòng muốn quay lại thị trường thế giới
Thái Lan đang chào giá gạo trắng 5% tấm bình quân 550 USD/tấn (ngày 2-4), tăng 82 USD/tấn so với thời điểm 24-3, thời điểm Việt Nam tạm ngưng xuất khẩu gạo. Trong khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 thế giới (sau Thái Lan) cũng đã ngưng chào giá bán gạo, tương tự như Việt Nam, Pakistan, Campuchia.
Thái Lan một mình một chợ
Theo ông Nguyễn Đình Bích, nguyên Phó trưởng Ban Nghiên cứu Chiến lược phát triển thương mại của Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), việc Thái Lan "một mình một chợ" nên giá gạo lên cao cũng dễ hiểu vì đó là "cơ hội vàng" của họ. "Giá gạo Việt Nam và thế giới đang tăng nhưng các dữ liệu hiện tại cho thấy khó xảy ra tình trạng sốt giá hay tăng cao đột biến do cung cầu thế giới vẫn bình ổn. Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo năm nay không giảm, dự trữ ở các nước còn lớn và nhu cầu thế giới không tăng nhiều là cơ sở cho nhận định trên. Ngoài ra, nếu dịch bệnh kéo dài, kinh tế khó khăn, một số thị trường ăn gạo giá rẻ có thể phải chuyển sang loại lương thực rẻ hơn, như mì và bắp thì cầu sẽ giảm" - ông Bích nói.
Cũng theo chuyên gia này, so với gạo cùng loại của Thái Lan, lâu nay giá gạo Việt Nam thường thấp hơn từ 50-60 USD/tấn nhưng các tháng đầu năm, gạo Việt bám sát giá gạo Thái Lan, đây là tín hiệu tích cực. Do đó, nếu dừng xuất khẩu gạo thời gian dài, các doanh nghiệp (DN) tồn kho lớn sẽ không mua thêm gạo mới, giá lúa sẽ lao dốc, nông dân lãnh đủ.
Thu hoạch lúa vụ đông xuân ở ĐBSCL. Ảnh: NGỌC TRINH
|
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho biết sau lệnh tạm dừng xuất khẩu gạo, giá lúa có giảm nhưng hiện nay đã ổn định trở lại, giá bán gạo trong nội địa cũng không bị ảnh hưởng. Trong khi đó, trên thị trường thế giới, Thái Lan "một mình một chợ" nên đã đẩy giá gạo xuất khẩu tăng cao. Ông Bình cho rằng nước ta có khoảng 100 triệu dân, ai cũng ăn cơm. Trong mùa dịch Covid-19, người dân không đi ăn ngoài mà ở nhà ăn cơm nên nhu cầu mua gạo tăng lên. "Nhưng lượng mua gạo trong dân có tăng vẫn không đáng là bao so với lượng gạo dư thừa của Việt Nam. Vừa qua, Bộ Công Thương đã thống kê và tính toán tăng thêm mấy trăm ngàn tấn để dự trữ nên chúng ta không lo thiếu gạo. Dù năm nay hạn, mặn gay gắt nhưng năng suất lúa vẫn rất cao so với những năm không có hạn, mặn nên không ảnh hưởng đến tổng sản lượng lúa gạo. Vì vậy, Việt Nam nên cho xuất khẩu gạo" - ông Bình kiến nghị.
Chuyên gia Nguyễn Đình Bích cũng cho rằng qua 2 thời điểm người dân gom hàng nhiều (sau khi Hà Nội công bố ca Covid-19 đầu tiên và khi người dân mới nghe thông tin về chỉ thị cách ly xã hội), đến nay hàng hóa vẫn đầy ắp chợ, giá ổn định cho thấy Việt Nam không thể thiếu lương thực.
Thị trường méo mó
Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh (tháng 1-2020), giá lúa gạo hiện nay đã cao hơn từ 20%-30%, giá xuất khẩu gạo cũng cao. Ví dụ, gạo 5401 (loại 5% tấm) đầu tháng 2 xuất khẩu giá 410 USD/tấn thì đến giữa tháng 3 lên hơn 500 USD/tấn. Khoảng 10 ngày nay, xuất khẩu gạo tạm ngưng nhưng giá gạo vẫn đứng ở mức cao, DN thu mua rất khó. Điều này có lợi cho người trồng lúa nhưng thẳng thắn nhìn nhận là thị trường đang "méo mó" bởi người dân đang mua dự trữ quá nhiều do tâm lý lo sợ dịch bệnh và không loại trừ một số người lợi dụng tình hình để đầu cơ. "Việt Nam không thiếu gạo nhưng người tiêu dùng lo xa, họ sợ dịch bệnh sẽ khiến việc vận chuyển gạo từ ĐBSCL khó khăn nên cứ mua thật nhiều để chắc ăn. Vì thế, khi nhà nước tạm ngưng xuất khẩu gạo, về tâm lý, người dân không còn lo thiếu gạo, giúp ổn định thị trường trong nước. Tâm lý thị trường cực kỳ quan trọng, nếu giá gạo trong nước tiếp tục tăng cao thì Việt Nam rất khó xuất khẩu vì giá không còn cạnh tranh so với đối thủ" - ông Đôn phân tích.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV (tỉnh Vĩnh Long), cho biết các đối tác nhập khẩu gạo của DN sẵn sàng mua gạo giá khoảng 520 USD/tấn, tăng 60-70 USD/tấn so với trước đó đối với gạo OM5451 có 5% tấm. "Tuy nhiên, hiện có khoảng 200.000 tấn gạo đang trên đường vận chuyển hoặc ở cảng bị ảnh hưởng bởi quyết định tạm ngưng xuất khẩu, khiến chúng tôi bị thiệt hại rất lớn. Các DN đều mong muốn được xuất khẩu trở lại để không mất uy tín và thị trường phải mất nhiều năm mới gầy dựng được. Việc kiểm soát lượng gạo cũng như DN xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực là không khó" - ông Thành đề xuất.
TS Nguyễn Đức Thành, thành viên Liên minh Chính sách Nông nghiệp Việt Nam, nhìn nhận những ngày qua, Việt Nam đóng cửa xuất khẩu gạo nên đành nhìn Thái Lan tung hoành giữa thị trường thế giới. "Theo tôi, Việt Nam không nên áp dụng chính sách cấm xuất khẩu gạo hoặc chế độ hạn ngạch lúc này. Người nông dân miền Tây vốn vất vả, vừa vui vì được mùa được giá giờ đã lo lắng vì giá giảm. Chính sách lúc này nên là đánh thuế xuất khẩu gạo. Mức thuế này sẽ tạo ra sự chênh lệch giá giữa gạo trong nước (phục vụ nhân dân và kho dự trữ quốc gia) và giá gạo thế giới (phục vụ DN và nhà nước có nguồn thu)" - chuyên gia Nguyễn Đức Thành đề nghị.
Tuyệt đối không để thiếu gạo Sau báo cáo của Bộ Công Thương về nội dung buổi làm việc ngày 26-3 của đoàn kiểm tra liên ngành với các DN xuất khẩu gạo chủ chốt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương có văn bản chính thức báo cáo về vấn đề xuất khẩu gạo trước ngày 5-4. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm nguyên tắc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống, tuyệt đối không để thiếu lương thực. Ngày 3-4, đại diện Bộ Công Thương cho biết sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, bộ đã gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về vấn đề xuất khẩu gạo để tổng hợp trước khi báo cáo Thủ tướng. Ph.Nhung |
NGỌC ÁNH - CA LINH