Ngành thủy sản hồi phục nhanh

Ngày đăng 17:30 23/06/2022
Ngành thủy sản hồi phục nhanh

Vietstock - Ngành thủy sản hồi phục nhanh

Xuất khẩu thủy sản thu về hơn 1 tỉ USD/tháng trong 3 tháng liên tiếp, đạt mức tăng trưởng 10%-90% tùy thị trường, giá bán bình quân tăng 10%-15%.

Ngày 22-6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) tổ chức hội nghị toàn thể hội viên năm 2022 sau 2 năm gián đoạn do dịch Covid-19.

Mục tiêu thận trọng

Thông tin tại hội nghị, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho hay xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2022 đạt 4,7 tỉ USD, tăng trưởng 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường đều đạt mức tăng trưởng 10%-90%, giá bán bình quân tăng 10%-15%. "Đáng chú ý, trong các tháng 3, 4 và 5, xuất khẩu thủy sản đạt mức kỷ lục với 1 tỉ USD/tháng. Ước tính 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản đạt xấp xỉ 6 tỉ USD" - ông Hòe nêu.

Cá tra có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong nửa cuối năm Ảnh: AN NA

Tuy nhiên, Tổng Thư ký VASEP cho rằng xuất khẩu những tháng cuối năm không có nhiều thuận lợi và dự báo cả năm chỉ đạt ngưỡng 10 tỉ USD. Nguyên nhân là do lạm phát ở mức cao đang lan rộng ở các thị trường Mỹ, châu Âu khiến nhu cầu sụt giảm. Bên cạnh đó, Trung Quốc - thị trường lớn của thủy sản Việt Nam - tiếp tục áp dụng chính sách "zero Covid" làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam với các loại hàng hóa nói chung.

Chưa kể, thị trường Trung Quốc còn có nhiều chính sách mang tính đặc thù địa phương và thay đổi thất thường, gây rủi ro cho đối tác. "Về nội tại ngành, vấn đề thiếu nguyên liệu cả trong nước và nhập khẩu cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp (DN) trong việc duy trì tăng trưởng. Đặc biệt, DN còn phải đối mặt với việc chi phí hoạt động tăng trong khi giá bán ra không tăng tương ứng" - ông Hòe phân tích.

Riêng với ngành tôm (chiếm khoảng 40% giá trị thủy sản xuất khẩu), xuất khẩu trong 5 tháng đầu năm đạt 1,9 tỉ USD. Tốp thị trường xuất khẩu lớn của tôm đều ghi nhận có sự tăng trưởng với mức gần 7% đến gần 130%; tăng trưởng trung bình đạt 41% so với cùng kỳ năm 2021.

Thành tích của ngành này khả quan là vậy nhưng ông Đỗ Ngọc Tài, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến Thủy sản Ngọc Trí (Bạc Liêu), vẫn ví von: "Mặt trời mọc rất sớm nhưng mây đen ùn ùn ngay phía sau". Ông Tài phân tích: Thị trường lớn nhất của ngành tôm là Mỹ với tỉ trọng chiếm 21%, tăng trưởng các tháng quý I/2022 so với cùng kỳ năm ngoái đạt 25%-61%. 

Tuy nhiên, xuất khẩu trong tháng 4 và 5 đã có sự giảm sút nên bình quân tăng trưởng 5 tháng đầu năm chỉ bằng 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Những thách thức tại các thị trường này đến từ lạm phát, chi phí xăng dầu và người dân bị cắt trợ cấp. Dự báo xuất khẩu thủy sản sang thị trường Mỹ sẽ còn sụt giảm trong vài tháng tới và chỉ có thể kỳ vọng tăng nhẹ trở lại vào mùa mua sắm cuối năm. Tình trạng này cũng tương tự ở thị trường Nhật Bản và châu Âu.

Kỳ vọng vào cá tra

Với giá trị xuất khẩu 1,2 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 90% so với cùng kỳ năm ngoái, ngành cá tra được đánh giá là hồi phục nhanh và có nhiều triển vọng.

Bà Trương Thị Tuyết Hoa, thành viên HĐQT Công ty CP Vĩnh Hoàn, nêu rõ thách thức trong 6 tháng cuối năm nay đối với ngành cá tra là thiếu nguyên liệu và chi phí tăng. Thế nhưng, cơ hội "vàng" của cá tra vẫn còn khi có khả năng thay thế cá minh thái (cùng phân khúc cá thịt trắng) ở châu Âu và Mỹ trong lúc nguồn cung cá này bị ảnh hưởng do xung đột Nga - Ukraine. 

"Một nhà máy ở châu Âu mà chúng tôi mới đến thăm đã phải đóng cửa do không có nguyên liệu là cá minh thái. Với thị trường này, ngành cá tra cần chiến dịch truyền thông và bảo đảm chất lượng trong toàn ngành để giữ niềm tin của khách hàng. 

Còn tại Mỹ, có khách hàng đề nghị chúng tôi sản xuất một số sản phẩm giá trị gia tăng bằng nguyên liệu cá tra, thay cá minh thái đang thiếu hụt. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng đẩy mạnh đàm phán để tháo gỡ việc Cơ quan Thanh tra và An toàn Thực phẩm Mỹ (FSIS) chưa chấp thuận mặt hàng này" - bà Hoa trình bày.

Với thị trường Trung Quốc, các DN Việt Nam kiến nghị cơ quan chức năng tổ chức đàm phán để nước bạn chấp nhận chứng nhận kiểm soát virus SARS-CoV-2 trên lô hàng từ Việt Nam để hạn chế rủi ro khi kiểm tra tại cảng nhập khẩu như hiện nay.

Ông Đỗ Ngọc Tài bày tỏ hy vọng khi xung đột Nga - Ukraine kết thúc, lạm phát giảm, kinh tế thế giới phục hồi thì ngành thủy sản sẽ thuận lợi hơn. "Các DN cũng phải tổ chức lại bộ máy quản lý, sắp xếp lại sản xuất, chuyển sang chế biến hàng giá trị gia tăng để giảm áp lực thiếu nguyên liệu. Đồng thời, tiết giảm những chi phí không cần thiết để tăng trưởng bền vững" - ông Tài nói.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), nhận định ngành thủy sản có kết quả xuất khẩu kỷ lục trong các tháng đầu năm nhờ dự báo tốt được thị trường nên chủ động nguyên liệu và tranh thủ cơ hội xuất khẩu. Song, thực tế cũng phát sinh những vấn đề mới liên quan đến tăng chi phí và nguy cơ thiếu nguyên liệu vào cuối năm.

"Bộ NN-PTNT đã cùng các hiệp hội, ngành hàng đánh giá và khuyến cáo nông dân, DN tranh thủ cơ hội sản xuất và kiểm soát chi phí để duy trì lợi nhuận. Giải pháp hiện nay là hạn chế khâu trung gian, dùng nguyên liệu trong nước (bắp, khoai mì...) để thay thế một phần nguyên liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, ứng dụng khoa học công nghệ để hạn chế rủi ro, giảm giá thành; khuyến cáo DN hạn chế tăng giá đột biến, giữ nhịp sản xuất, duy trì ổn định ngành hàng" - ông Luân lưu ý.

Cần tăng tính chủ động

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan ghi nhận những đóng góp của ngành thủy sản với tổng thể ngành nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, giá trị xuất khẩu hơn 4,7 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy nỗ lực rất lớn của cộng đồng DN, doanh nhân. "Trước mắt, còn nhiều khó khăn. Tôi mong các DN tích cực, chủ động tìm ra giải pháp tháo gỡ. Ví dụ, nếu không thể giảm được chi phí đầu vào thì tìm cách tăng giá trị bán ra bằng sản phẩm chế biến sâu, thay cho các sản phẩm chế biến đơn giản. Khi các tài nguyên về mặt nước, đất có giới hạn, không thể gia tăng sản lượng thì có thể đầu tư cho kinh tế tri thức để tạo giá trị lớn hơn" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan gợi ý.

NGỌC ÁNH

Bình luận mới nhất

Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.