Theo Lan Nha
Investing.com - Theo dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 27/8, ngành thép bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với lợi nhuận của các nhà sản xuất kim loại đen (chứa sắt) giảm gần 91% trong 7 tháng đầu năm. Trong khi đó, các nhà sản xuất kim loại cơ bản chứng kiến lợi nhuận giảm 37% và các công ty khai thác than giảm 26% trong cùng kỳ. Tất cả mức giảm này đều cao hơn mức giảm lợi nhuận trung bình 16% của tất cả các ngành công nghiệp của Trung Quốc.
Theo NBS, trong 7 tháng đầu năm, trong số 41 ngành công nghiệp ở Trung Quốc, 13 ngành có lợi nhuận tăng và 28 ngành có lợi nhuận giảm so với cùng kỳ năm trước. Các nhà sản xuất kim loại đen ghi nhận khoản lỗ gộp 4,96 tỉ nhân dân tệ (0,7 tỉ đô la) trong cùng kỳ.
Các nguồn tin trong ngành cho biết, nhu cầu thép xây dựng của Trung Quốc dự kiến sẽ suy yếu cho đến cuối năm do ngành bất động sản bất ổn và tốc độ tăng trưởng của ngành cơ sở hạ tầng bị hạn chế do vấn đề nợ nần của của các chính quyền địa phương.
Theo ước tính doanh số bán máy xúc trong nước, một chỉ số quan trọng báo hiệu hoạt động xây dựng sắp tới, có khả năng đạt 5.300 chiếc trong tháng 8, tăng 3,7% so với tháng 7 nhưng giảm 41,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán máy xúc trong nước trong 8 tháng đầu năm giảm 43,9%, xuống còn 61.443 chiếc. Doanh số máy xúc giảm cho thấy nhu cầu thép của lĩnh vực xây dựng có thể tiếp tục yếu trong tương lai gần.
Lĩnh vực ô tô ghi nhận lợi nhuận gộp 258,31 tỉ nhân dân tệ (36 tỉ đô la) trong 7 tháng đầu năm nay, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các báo cáo thu nhập mới cho thấy bức tranh ảm đạm đang bao trùm ở các công ty thuộc nền kinh tế kiểu cũ. Sinopec, công ty lọc dầu hàng đầu Trung Quốc, báo cáo thu nhập ròng nửa đầu năm giảm 19% do sự phục hồi nhu cầu chậm chạp. China Shenhua Energy Co., công ty khai thác than lớn nhất của Trung Quốc, chứng kiến thu nhập ròng giảm 13% trong cùng kỳ.
Tuy nhiên, tin tốt hơn đang ở phía trước đối với các công ty sản xuất các kim loại có liên quan đến chuyển đổi năng lượng. Theo một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs (NYSE:GS), nhu cầu tiêu thụ đồng trong các lĩnh vực năng lượng xanh của Trung Quốc đang tăng tốc. Cụ thể, nhu cầu đồng trong lĩnh vực xe điện và năng lượng tái tạo tăng 74% trong 7 tháng đầu năm. Jiangxi Copper, nhà sản xuất đồng lớn nhất nước, dự báo giá đồng có thể sẽ tăng trong những tháng cuối năm, lên mức khoảng từ 68.000 – 75.000 nhân dân tệ (10.300 đô la)/tấn do thị trường thắt chặt. Jiangxi Copper giải thích sự lạc quan của công ty đến từ chính sách vực dậy tăng trưởng của Bắc Kinh và khả năng chấm dứt việc tăng lãi suất của Mỹ. Đồng trên Sàn giao dịch tương lai Thượng Hải được giao dịch ở mức giá 69.000 nhân dân tệ/tấn trong tuần trước.
Than, nhiên liệu chính của các ngành công nghiệp Trung Quốc, có thể vẫn chịu áp lực. Giá than đã giảm gần 1/3 trong năm nay sau khi Bắc Kinh ra lệnh tăng nguồn cung để hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất sau khi nền kinh tế tái mở cửa vào hồi đầu năm nay.
Nhưng nhu cầu than ở Trung Quốc vẫn ảm đạm sau khi kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ ở thời kỳ hậu Covid đã không thành hiện thực, Fitch Solutions cho biết trong một báo cáo vào tuần trước. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như gốm sứ, sản xuất thủy tinh và sản xuất thép nói riêng chịu tổn thất đáng kể do phụ thuộc vào thị trường bất động sản vẫn đang trong cơn khủng hoảng.
Tuy nhiên, tổn thất của ngành khai thác mỏ lại là điều tích cực cho ngành điện khi các nhà sản xuất điện tận dụng giá than giảm để có lãi trở lại. Theo NBS, lĩnh vực điện chứng kiến lợi nhuận tăng 51% trong năm nay, tính đến tháng 7. Nhu cầu điện ở Trung Quốc dự kiến tăng nhanh hơn trong nửa cuối năm so với nửa đầu năm.