Nhiều bài học và kinh nghiệm quý đã được chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến "Mở cửa thị trường nông sản – cơ hội từ những thị trường khó tính" do Văn phòng Bộ NN&PTNT phối hợp với Báo Nông thôn ngày nay tổ chức ngày 13/12, tại Hà Nội. Tại tọa đàm, bà Ngô Tường Vy, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu chia sẻ: "Để mở cửa một thị trường mất ít nhất từ 3 đến 5 năm, doanh nghiệp khi đưa một số sản phẩm xuất khẩu, ví dụ vào Mỹ cũng mất đến 6 năm… Vì vậy, những kết quả từ việc mở cửa thị trường thời gian qua là nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan của Bộ NN&PTNT trong đàm phán để mở cửa thị trường. Khi chúng ta đã mở cửa được thị trường thì vấn đề quan trọng là làm sao duy trì và phát triển thị trường đó. Đây không chỉ là nhiệm vụ của riêng doanh nghiệp mà còn là vai trò của các địa phương, của nông dân trong chuỗi liên kết".
Đồng tình với quan điểm này, ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh dịch tễ và Kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam thuộc Bộ NN&PTNT) cho rằng, muốn mở cửa được thị trường phải tăng cường liên kết không chỉ với nông dân mà còn giữa các ngành hàng, doanh nghiệp với nhau. Câu chuyện thị trường gắn với nhiều biến động. Đến nay, Việt Nam đã tham gia ký kết 18 hiệp định tự do thương mại, trong đó nhiều hiệp định gắn với các thị trường lớn như Mỹ, Liên minh Châu Âu…
Ông Nam nhấn mạnh: "Chúng ta đa dạng hóa thị trường thì cũng phải tổ chức lại sản xuất theo tín hiệu của thị trường. Thực tiễn đòi hỏi phải có sự liên kết. Ngoài việc liên kết giữa các hộ nông dân với nhau thì phải liên kết các hộ nông dân với các cơ quan quản lý ở địa phương và cơ quan quản lý ở Trung ương. Ví dụ, xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc thực vật thì bắt buộc phải liên kết với Cục Bảo vệ thực vật. Đây là một sự đồng hành rất chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước với nông dân, doanh nghiệp".
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng Trọt (Bộ NN&PTNT) nhìn nhận, khó khăn trong xuất khẩu lúc nào cũng có, chính vì xác định được như vậy nên Bộ NN&PTNT đã có những kế hoạch từ mở cửa, phát triển và duy trì thị trường. Điển hình như trong ngành trồng trọt thời gian qua, vật tư đầu vào như phân bón tăng, trong khi vật tư đầu vào có thể chiếm đến 30% giá thành. Khi đối diện với khó khăn này, toàn ngành đã nhìn nhận lại sản xuất bằng cách thực hiện đúng quy trình hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoặc phân bón, như vậy vừa giảm chi phí đầu vào, sản phẩm lại được nâng tiêu chuẩn, tăng cạnh tranh của các mặt hàng trồng trọt hơn nhiều.
Ông Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức song ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tích ngoạn mục. Đó là kết quả của quá trình tích luỹ nhiều năm từ sự bền vững của ngành nông nghiệp.
Ngành nông nghiệp luôn xác định là ngành mà về bản chất gặp nhiều rủi ro do thiên tai, biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh gây ra. Năm 2022, chúng ta may mắn vì các loại dịch bệnh lớn không bùng phát, thời tiết cũng tương đối thuận lợi để phát triển nông, lâm, thủy sản.
Trước đây, chúng ta phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên trong năm 2022, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero COVID, chuyển hướng sang sản phẩm an toàn và kiểm soát chất lượng nông sản chặt chẽ hơn. Đây vừa là khó khăn nhưng cũng là động lực cho các doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất. Đặc biệt, ngành rau quả đã mở cửa được một loạt mã trồng xuất khẩu vào Trung Quốc. Đây được xem là thành tích rất lớn và là kết quả bước đầu trong chặng đường 10 năm tới thực hiện chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái, bền vững và minh bạch.
Qua 11 tháng của năm nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 49,04 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, đã có 8 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu hơn 2 tỷ USD gồm: Cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ. ]]>