Vietstock - Lực bán quay lại chiếm ưu thế, chấm dứt chuỗi tăng của chỉ số MXV-Index
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), ngày giao dịch 14/1, lực bán quay lại chiếm ưu thế và cắt đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp trước của chỉ số MXV-Index. Đóng cửa, chỉ số giảm 0,39% xuống 2.288 điểm.
Đáng chú ý, nhóm nguyên liệu công nghiệp chịu áp lực mạnh nhất khi 6/9 mặt hàng giá đi xuống, trong đó giá cà phê Robusta nối dài đà suy yếu phiên thứ ba liên tiếp. Trong khi đó, thị trường năng lượng diễn biến trái chiều khi giá dầu thô quay đầu giảm sau ba phiên tăng.
Giá cà phê sụt giảm, đường lao dốc mạnh nhất một tháng
Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, bảng giá nhóm nguyên liệu công nghiệp gây chú ý khi tràn ngập sắc đỏ. Trong đó, trên thị trường cà phê, giá mặt hàng Arabica quay đầu giảm hơn 1% sau hai phiên tăng giá liên tiếp trước đó. Giá cà phê Robusta giảm 0,8% về 4.863 USD/tấn, xuống mức thấp nhất kể từ tuần đầu tháng 12/2024. Giá hai mặt hàng cà phê tiếp tục chịu áp lực khi thị trường phản ứng với các tin tức tích cực về nguồn cung.
Mới đây, theo công bố của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 12/2024, tổng khối lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 127.655 tấn, tăng vọt 102,6%; tổng giá trị xuất khẩu cũng tăng hơn 95%, tương đương trên 686,5 triệu USD. Thông tin này đã góp phần tạo áp lực cho giá cà phê Robusta kể từ cuối tuần trước.
Thêm vào đó, theo Embrapa Coffee, trong vòng một năm tính từ tháng 10/2023 đến tháng 9/2024, tổng sản lượng cà phê thế giới đạt 178 triệu bao, tương đương tăng 5,82% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, sản lượng tại Colombia, quốc gia sản xuất cà phê Arabica lớn thứ hai thế giới - đạt 13,9 triệu bao loại 60 kg vào năm 2024, tương đương tăng 23% so với năm 2023 và cao hơn 300.000 bao so với dự báo trước đó. Về xuất khẩu, trong năm 2024, Colombia đã xuất đi 12,3 triệu bao cà phê loại 60 kg, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tính riêng tháng 12, FNC cho biết sản lượng cà phê của Colombia đạt 1,79 triệu bao loại 60 kg, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước; xuất khẩu đạt 1,28 triệu bao loại 60 kg, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Trong một diễn biến khác, giá đường kỳ hạn tháng 11 để mất hơn 3% giá trị về mức 403,9 USD/tấn, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong vòng một tháng gần đây. Tín hiệu nguồn cung tích cực hơn là nguyên nhân chính gây sức ép lên giá mặt hàng này.
Theo MXV, thị trường năng lượng chốt phiên hôm qua với 3/5 mặt hàng trong nhóm ghi nhận giảm giá, kết thúc chuỗi tăng trước đó. Giá dầu thô quay đầu giảm, kết thúc chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp. Cụ thể, giá dầu thô WTI giảm 1,67% xuống 77,5 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giảm 1,35% về dưới mức 80 USD/thùng.
Động thái chốt lời của các nhà đầu tư gây áp lực lớn lên giá dầu trong phiên hôm qua, sau khi thông tin về việc siết chặt trừng phạt đối với ngành dầu khí của Nga vào cuối tuần trước đã làm dấy lên lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung toàn cầu và đẩy giá lên vùng quá mua.
Ngoài áp lực chốt lời, báo cáo Triển vọng Năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 1 ảm đạm của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng góp phần khiến giá dầu suy yếu. Theo đó, EIA dự báo giá dầu sẽ chịu áp lực trong vòng 2 năm tới, khi tăng trưởng sản lượng toàn cầu vượt qua nhu cầu tổng thể. Các nhà phân tích của EIA dự báo thị trường dầu thô năm nay sẽ trở nên dư thừa do nhu cầu dầu tại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm đáng kể trong năm 2024.
Ngoài ra, triển vọng khả quan về sự ổn định an ninh tại Trung Đông cũng gây sức ép lên giá dầu. Theo Qatar, thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel đang tiến rất gần tới việc được ký kết sau khoảng thời gian dài đàm phán. Điều này giúp làm giảm rủi ro về sự gián đoạn nguồn dầu thô từ khu vực.
Việc tồn kho dầu tại Mỹ trong tuần trước giảm thấp hơn so với dự đoán của thị trường cũng tạo áp lực giảm giá dầu trong hôm qua.