Vietstock - Lên mạng bán, mua đặc sản đang chín rộ ở miền Bắc
Trung bình mỗi ngày, lượng truy cập vào sàn thương mại điện tử Postmart.vn đạt gần 10.000 lượt. Đa số người tiêu dùng truy cập và lựa chọn mua các sản phẩm nông sản trái cây, đặc sản chính vụ của các địa phương.
Trái cây đặc sản ở phía Bắc đã, đang vào vụ thu hoạch |
Chuẩn bị cho chiến dịch tiêu thụ lớn
Tháng 6 là thời điểm các sản phẩm của nhiều vựa nông sản phía Bắc bắt đầu vào mùa vụ. Các tỉnh Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn… đã sẵn sàng các phương án tiêu thụ với sản lượng lớn thu hoạch. Các khóa tập huấn bán hàng, chụp ảnh, đưa những loại hoa quả mùa hè lên sàn thương mại điện tử (TMĐT) để hút người tiêu dùng (NTD) đã được các sàn kết hợp tổ chức tập huấn cho người nông dân, để hoa quả đúng vụ sẽ đi thẳng từ vườn cây đến bàn ăn.
Đại diện Cục TMĐT và Kinh tế số (IDEA - Bộ Công Thương) cho biết, nhằm chuẩn bị cho vụ tiêu thụ hoa quả mùa hè khu vực phía Bắc, từ những tháng đầu năm 2022, IDEA đã phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng tại tỉnh, thành như Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên, Bắc Kạn…, kết nối với các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam để lên kế hoạch tập huấn, tiêu thụ.
Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên hay Bắc Kạn là các tỉnh, thành có thế mạnh về các mặt hàng nông đặc sản địa phương được NTD ưa chuộng như vải thiều, mận hậu, xoài, dâu tây, bưởi, nhãn lồng, bí xanh… Ngoài việc chuẩn bị cho các kế hoạch xuất khẩu thì việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản đã được tập trung phát triển tại thị trường trong nước và mở rộng kênh phân phối khi kinh tế số trong nông nghiệp đang trở thành xu hướng.
Đại diện IDEA cho biết, mới đây, IDEA đã có công văn gửi các sàn TMĐT lớn về việc hướng dẫn, phối hợp và tổ chức kết nối, triển khai các phương án phân phối đặc sản địa phương, sản phẩm nông sản, trái cây vào vụ thu hoạch trên môi trường trực tuyến qua các sàn Sendo, Voso, Postmart, Shopee, Tiki, Lazada...
Ngay sau đó, sàn Postmart.vn, Voso.vn và Sendo đã sớm đưa ra phương án cũng như kế hoạch chuẩn bị trước để đào tạo, hướng dẫn các hộ dân tại địa bàn tỉnh Bắc Giang, Sơn La, Hưng Yên qua kênh hướng dẫn trực tuyến hay các bộ tài liệu hướng dẫn đăng ký gian hàng, cách thức bán hàng, đăng bán sản phẩm, quản lý đơn hàng… cho các sản phẩm vải thiều Bắc Giang, mận Sơn La, nhãn Hưng Yên, bí xanh Bắc Kạn.
Đại diện IDEA cũng khẳng định, hiện nay, các cơ sở sản xuất, xuất khẩu, hợp tác xã địa phương không còn xa lạ với hình thức kinh doanh trực tuyến, tuy nhiên còn nhỏ lẻ và phát sinh nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ vào vận hành, logistics. Nhưng đến nay, với sự vào cuộc mạnh mẽ các cấp chính quyền và cơ quan chức năng việc phân phối nông sản vào chính vụ của người dân trên các nền tảng trực tuyến đã bài bản hơn, quy trình dễ dàng hơn, các giải pháp số trong nông nghiệp đa dạng hơn và dần nâng cao được giá trị của các sản phẩm nông sản của địa phương.
Tạo thói quen mua sắm nông sản trực tuyến
Nằm trong Kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ nông sản của Postmart, mặc dù mới vào đầu mùa nhưng Postmart đã kết nối với các tỉnh, thành và tiêu thụ gần 1.000 tấn nông sản, đặc biệt là trái cây, rau củ tươi. Điển hình như na Lạng Sơn tiêu thụ gần 100 tấn, nhãn Đồng Tháp, Hưng Yên tiêu thụ được gần 300 tấn, bưởi Phúc Trạch (Hà Tĩnh) đạt 163 tấn…
Trong khuôn khổ hoạt động chung tay tiêu thụ đặc sản Việt, chào hè năm nay sàn Sendo, Voso.vn, Postmart.vn cũng đều đã ra mắt các gian hàng hoa quả nhiệt đới như mận Sơn La, dứa mật, xoài... với các lựa chọn đa dạng, nguồn gốc rõ ràng, giá thành ưu đãi.
Đại diện IDEA cho rằng, với lợi thế về mạng lưới vận chuyển rộng khắp các tỉnh, thành của Viettel Post hay Vietnam Post và sự vận chuyển chuyên nghiệp của đội ngũ giao hàng của Sendo, Lazada… nông sản đến vụ của miền Bắc sẽ xuất hiện tại tất cả các vùng miền một cách nhanh nhất.
Theo ông Phan Trọng Lê, Trưởng Ban Nghiên cứu và Phát triển thương hiệu, Vietnam Post, trung bình mỗi ngày lượng truy cập vào sàn Postmart.vn đạt gần 10.000 lượt, tăng mạnh so với trước. Đa số NTD truy cập và lựa chọn mua các sản phẩm nông sản trái cây, đặc sản chính vụ của các địa phương. Việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương trên TMĐT đang tạo ra “làn sóng” mới trong thói quen tiêu dùng bởi sự tiện lợi khi mua sắm và tiết kiệm chi phí cho các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đại diện IDEA cho biết, sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình kết hợp với sàn TMĐT để giúp bà con các tỉnh, thành khác như Bình Định, Cần Thơ để hỗ trợ đưa các sản phẩm đặc sản nông sản vùng miền lên sàn, tạo một thói quen tìm mua nông sản trên sàn TMĐT cho NTD, đồng thời tạo ra những chiến dịch “nhuộm đỏ, tím hóa, xanh ngắt” các sàn TMĐT, để nông sản Việt giảm dần phụ thuộc vào xuất khẩu đường biên.
Nhật Thu