Vietstock - Khốc liệt cuộc đua ở ‘chợ toàn cầu’, thị phần cá tỷ USD của Việt Nam sụt giảm
Vươn ra thế giới, con cá tỷ USD của Việt Nam luôn thống lĩnh “chợ toàn cầu” về sản lượng lẫn xuất khẩu. Song, cuộc đua ngày càng khốc liệt khiến thị phần con cá tra tỷ USD này của nước ta đang hao hụt dần.
Doanh nghiệp đuối sức, người nuôi thua lỗ
Dù thị trường xuất khẩu đã có những tín hiệu tích cực nhưng khi đề cập tới ngành hàng cá tra, lãnh đạo Công ty CP Vĩnh Hoàn thừa nhận, doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn tại các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc.
Bình quân, lượng đơn hàng xuất khẩu giảm khoảng 30% cho tất cả thị trường, trong khi giá bán lại rớt thê thảm. Theo vị lãnh đạo này, chi phí nuôi, chế biến, xuất khẩu, kiểm soát chất lượng, lưu kho hàng tồn… đều tăng, tạo áp lực lớn cho các đơn vị chế biến, xuất khẩu thủy sản.
Trong khi đó, tại các vùng nuôi ở ĐBSCL, người nông dân không chỉ “treo ao” mà còn “treo miệng cá” vì không còn vốn để mua thức ăn. Chưa kể, giá cá nguyên liệu thấp, giá thành sản xuất cao nên càng đổ thức ăn xuống ao cho cá ăn càng lỗ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hải – Chủ nhiệm HTX cá tra Thới An - tình trạng bán cá tra dưới giá thành sản xuất kéo dài thì người nuôi rất khó cầm cự với nghề.
Xuất khẩu cá tra tỷ USD của Việt Nam sụt giảm mạnh (Ảnh: Hoàng Giám)
|
Hiện giá thành sản xuất cá tra dao động trong khoảng 28.000-28.500 đồng/kg. Song, báo cáo của Bộ NN-PTNT cho thấy, tháng 11 vừa qua, giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL tiếp đà giảm xuống còn 26.000-26.500 đồng/kg cho kích cỡ 0,8-1kg/con. Với mức giá này, người nuôi cá tra lỗ khoảng 2.000 đồng/kg khi xuất bán.
Ông Nguyễn Văn Tấn – hộ nuôi cá tra ở An Giang - than thở, do phải bán dưới giá thành nên những người nuôi cá tra như ông đang bị thua lỗ nặng từ 1-1,5 tỷ đồng/ao.
Theo Bộ NN-PTNT, dù lượng cá tra thương phẩm tại ao nuôi không nhiều nhưng do tình hình xuất khẩu sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ sụt giảm mạnh nên các nhà máy sản xuất hạ giá thành thu mua cá tra thương phẩm.
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá tra tính đến hết tháng 11/2023 đạt gần 1,7 tỷ USD, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường xuất khẩu chủ lực đều ghi nhận mức sụt giảm mạnh. Trong đó, thị trường Trung Quốc giảm gần 22%, Mỹ giảm hơn 53%, EU giảm hơn 17%, thị trường CPTPP giảm gần 27%...
Giá trung bình xuất khẩu cá tra giảm ở các thị trường chính, nhất là Mỹ và Trung Quốc đã kéo giá trị xuất khẩu cá tra xuống thấp hơn so với năm 2022. Cụ thể, trong tháng 10/2023, giá bán cá tra trung bình ở thị trường Mỹ đạt 2,9 USD/kg, giảm 37% so với tháng 10/2022; giá bán cá tra trung bình tại thị trường Trung Quốc là 2,1 USD/kg, giảm 13% so với tháng 10/2022.
Giá xuất khẩu thấp, đơn hàng lại giảm mạnh, doanh nghiệp cũng đuối sức vì lượng cá tồn trong kho lớn đẩy chi phí lưu kho tăng cao.
Ông Trần Văn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá - nhìn nhận, giá nguyên liệu cao đẩy giá bán cá tra cao. Để dễ có đầu ra, một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chấp nhận hạ giá bán nhưng lại thêm phụ gia làm giảm chất lượng, đánh mất uy tín. Điều này làm thị trường xuất khẩu của cá tra Việt bị thu hẹp, càng gặp khó khăn hơn.
Thị phần cá tra Việt tại “chợ toàn cầu” teo tóp
Theo thống kê, năm 2023, tổng diện tích thả nuôi cá tra của nước ta là 5.700 ha, sản lượng khoảng 1,6 triệu tấn, tăng 19% so với năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu cá tra năm nay ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm mạnh so với con số 2,4 tỷ USD của năm 2022.
Ở nước ta, cá tra là một trong những ngành hàng chủ lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Với lợi thế tuyệt đối về điều kiện tự nhiên của vùng sông nước ĐBSCL, 26 năm từ ao làng vươn ra biển lớn, cá tra Việt Nam thống lĩnh “chợ toàn cầu”. Sản lượng đứng đầu thế giới, xuất khẩu sang 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Từ kim ngạch xuất khẩu vọn vẻn 1,65 triệu USD năm 1997, đến nay, cá tra thành con cá tỷ USD của Việt Nam.
Song, thị phần cá tra Việt tại chợ toàn cầu dần teo tóp. Theo báo cáo tại Hội nghị Thị trường Thủy sản toàn cầu, từ năm 2015 trở về trước, sản lượng cá tra của Việt Nam luôn chiếm trên 99% tổng sản lượng cá tra nuôi toàn thế giới. Năm 2023, sản lượng cá tỷ USD của nước ta chỉ còn chiếm 52% trong tổng sản lượng cá tra toàn cầu.
Thực tế, vài năm trở lại đây, nhiều quốc gia bắt đầu đẩy mạnh nuôi cá tra. Đơn cử, Indonesia đã nuôi và thu hoạch 0,6 triệu tấn cá tra/năm, họ xuất khẩu sản phẩm cá tra sang nhiều quốc gia; sản lượng cá tra của Ấn Độ năm 2023 cũng đạt 668 nghìn tấn; Trung Quốc đạt 400 nghìn tấn; Bangladesh là 500 nghìn tấn… Điều này ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu con cá tra tỷ USD của nước ta, nhất là khi các quốc gia tiếp tục có kế hoạch tăng sản lượng con cá này.
Theo các chuyên gia, cá tra Việt có thêm nhiều đối thủ cạnh tranh tại thị trường quốc tế nên cuộc đua xuất khẩu cá tra tại "chợ toàn cầu" sẽ ngày càng khốc liệt hơn. Trong khi, sản phẩm cá tra của Việt Nam còn đơn điệu (chủ yếu là phi lê và cắt khúc), sản phẩm giá trị gia tăng chiếm tỷ trọng nhỏ nên chưa tạo ra sự cạnh tranh và giá trị thương mại lớn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năng suất và sản lượng cá tra đã rất cao. Song, nhiều nước cũng đã nuôi và xuất khẩu được cá tra. Theo ông, chúng ta phải điều chỉnh, thay đổi trong điều hành sản xuất, xúc tiến thương mại, điều chỉnh thay đổi cơ cấu về thị trường. Cùng với đó, tận dụng các phụ phẩm như đầu, xương, tiết, da cá… tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Sắp tới, sẽ có đề án cá tra mới hoàn thiện hơn, sẽ đưa ra đầy đủ giải pháp để ngành cá tra phát triển bền vững hơn, Thứ trưởng cho hay.
Tâm An