Vietstock - Điêu đứng vì giá xăng tăng
Giá xăng dầu tăng quá cao và liên tục khiến mọi mặt đời sống, hoạt động của doanh nghiệp, người dân đều chật vật.
“Tháng 11/2021 tôi vay ngân hàng hơn 2 tỷ đồng để mua 3 xe ô tô cho thuê. Giá xăng dầu liên tiếp tăng mạnh từ đầu năm, khách thuê xe ít khiến tôi không biết xoay xở thế nào. Tôi đang tính phải bán bớt xe, cắt lỗ để trả ngân hàng chứ càng duy trì thì sẽ càng kiệt sức", anh Phong, chủ cửa hàng cho thuê xe tự lái trên đường Trần Khát Chân chia sẻ về tác động của giá xăng dầu tăng liên tiếp thời gian qua.
Giá xăng lập đỉnh, RON 95 lên gần 33.000 đồng/lít Ngày 21/6, liên Bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng giá bán lẻ xăng RON 95 thêm 498 đồng/lít, lên 32.873 đồng/lít, cao nhất từ trước đến nay. Xăng E5 RON 92 bán lẻ cũng tăng 185 đồng/lít, lên 31.302 đồng/lít. Dầu diesel được điều chỉnh giá bán lẻ tăng 999 đồng/lít, lên 30.019 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 946 đồng/lít, lên 28.785 đồng/lít, trong khi dầu mazut tăng 378 đồng/kg lên 20.735 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 16 kỳ điều chỉnh với 13 lần tăng giá, 3 lần giảm. Đây là lần tăng giá xăng thứ 7 liên tiếp tính từ tháng 4/2022 đến nay.Việt Linh |
Cùng với việc giá xăng liên tục tăng, trên các hội, nhóm taxi công nghệ tại Hà Nội, nhiều tài xế Gojek hay Be cho biết, giá xăng quá cao khiến khách chọn đi chung xe, sử dụng xe bus… kéo theo thu nhập tài xế sụt giảm mạnh nên không ít tài xế đang tính chuyện bỏ việc, chuyển sang bán hàng online hoặc tìm nghề khác để có nguồn thu nhập ổn định. Theo các tài xế, đây là giai đoạn khó khăn nhất với các tài xế xe công nghệ tính từ năm 2018 đến nay.
Anh Vũ M.H., tài xế chạy xe Grab tại Hà Nội cho biết, tình trạng các tài xế chạy Grab, Gojek hay Be tắt app, hủy cuộc gọi gia tăng thời gian gần đây cũng một phần do chịu không nổi áp lực tăng giá của giá xăng dầu. “Trời nắng gắt như thế này nếu chạy vào giờ cao điểm thì hầu hết các tài xế đều chọn những cuốc đi ngắn và chỉ chạy quanh khu vực ít có nguy cơ tắc đường. Nhiều tài xế đã chọn chạy đêm, dù ít khách hơn, nhưng không phải đối mặt với nguy cơ tắc đường, tiêu hao nhiều xăng khi di chuyển... Với thu nhập hiện nay, trừ chi phí xăng, hao mòn xe, tiền chiết khấu, thu nhập của tài xế giờ giảm rất mạnh so với trước và chỉ đủ tiền để thuê phòng trọ và tiền ăn uống”, anh H. chia sẻ.
Giá xăng liên tục tăng khiến cuộc sống của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề Ảnh: Như Ý |
Chị Thanh Thúy, nhân viên Công ty thiết kế tại phố Lê Văn Hưu cho biết, từ 1 tháng trở lại đây, giá đặt xe Grab tăng rất mạnh.
“Cách đây vài tháng, mỗi lần đi xe chỉ khoảng 28 nghìn đồng/chuyến. Nhưng từ tháng 5 trở lại đây, cước xe thường xuyên lên tới 50.000 - 52.000 đồng cho chuyến đi về nhà dài khoảng 2,6km. Chi phí đi lại quá lớn so với mức lương hiện tại nên tôi phải điều chỉnh lại chi tiêu hằng tháng”, chị Thúy nói. Theo chị Thúy, cùng với giá xăng, hàng loạt mặt hàng đã tiếp tục tăng giá trong những ngày qua khiến chi tiêu của gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn.
“2 vợ chồng, con nhỏ, tiền sinh hoạt phí, mua thức ăn trung bình trước đây chỉ khoảng 150.000 đồng/ngày. Giờ đây dù rất tiết kiệm nhưng mỗi ngày giờ cũng mất tới gần 250.000 đồng/ngày”, chị Thúy kể.
Doanh nghiệp cũng gặp khó
Tổng giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bia lớn thuộc top 3 ở Việt Nam cho biết, dịch COVID-19 và giá xăng dầu liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay đã khiến mọi hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo vị này, từ đầu năm đến nay, cùng với giá xăng dầu, giá Malt (dùng để chế rượu, bia) đã tăng 80% trong khi đây là nguyên liệu đầu vào chiếm tới 35% giá thành sản xuất bia. Cùng với đó, giá nhôm thế giới tăng gấp 3 lần cũng khiến chi phí làm vỏ lon bia tăng thêm 25%.
“Chi phí vận chuyển, phân phối của chúng tôi cũng tăng chóng mặt trong thời gian qua, khiến doanh nghiệp đã khó lại càng thêm khó trong giai đoạn này. Nếu giá xăng dầu được kìm lại, sức ép tăng giá đầu vào, giá vận chuyển mới giảm bớt”, vị này cho hay.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu lớn khu vực phía Nam cũng thừa nhận, các doanh nghiệp kinh doanh xăng đang trong giai đoạn cực kỳ khó khăn khi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở các doanh nghiệp hầu hết đang trong cảnh bị âm nặng. Cá biệt có doanh nghiệp trong ngành bị âm tới hơn 1.000 tỷ đồng.
“Nhập khẩu xăng dầu gặp nhiều khó khăn, giá liên tục biến động, hợp đồng vừa ký, hàng đang trên đường về, doanh nghiệp đã bị lỗ cả trăm tỷ đồng, giá bán trong nước không bù đắp được hết các chi phí nên chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Mọi chi phí đều được cắt giảm tối đa, hoa hồng đại lý cũng bị cắt, cổ đông liên tục gây sức ép mà chúng tôi cũng không có cách nào để thoát khỏi áp lực hiện nay", vị này cho hay.
Phạm Tuyên