Trong điều kiện tỷ giá biến động và lãi suất USD tăng cao, những khó khăn mà các các hàng không phải đối mặt là không hề nhỏ. Đồng USD mạnh lên gây áp lực lên tỷ giá USD/VND, khiến tỷ giá USD/VND liên ngân hàng chạm mức cao nhất trong lịch sử.
Lãi suất LIBOR (lãi suất chuẩn mà tại đó các ngân hàng toàn cầu lớn cho nhau vay trên thị trường liên ngân hàng quốc tế đối với các khoản vay ngắn hạn) 3 tháng tính bằng USD cũng đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm sau những đợt FED tăng lãi suất gần đây.
Đồng USD tăng và lãi suất USD tăng mạnh có tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp thâm dụng vốn như các hãng hàng không, khi hầu hết các hãng hàng không tài trợ cho đội bay của họ bằng USD.
Theo quan điểm của công ty CP Chứng khoán VNDirect , trong điều kiện tỷ giá biến động và lãi suất USD tăng cao, những khó khăn mà các hãng hàng không phải đối mặt bao gồm việc đồng USD mạnh hơn khiến các hãng hàng không bị lỗ tỷ giá khi đánh giá lại các khoản nợ bằng USD.
Ngoài ra, chi phí đầu tư máy bay (tính bằng USD) cũng trở nên đắt đỏ hơn khiến việc mở rộng đội bay của các hãng hàng không khó khăn hơn.
Tuy nhiên, những khó khăn này phần nào được giảm bớt khi các hãng hàng không có nguồn thu từ USD khi bán vé quốc tế.
Bên cạnh đó, lãi suất tăng trong khi lãi suất tài trợ cho đội bay hiện tại thường cố định nên chi phí lãi vay không bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên khi tài trợ cho đội bay mới trong giai đoạn này, các hãng hàng không phải vay với lãi suất cao hơn và có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh trong tương lai.
Đối với các hãng hàng không trong nước, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (HVN (HN:HVN)) có tỷ trọng cho vay bằng USD trên tổng dư nợ lớn nhất (66,3%) với số dư vay USD là 21.815 tỷ đồng tính đến ngày 30/06/2022.
Trong khi tỷ trọng của VJC chỉ là 17,2% với số dư 3.227 tỷ đồng, do đó CTCP Hàng không Vietjet (HM:VJC) ít phải chịu rủi ro hơn liên quan đến đồng USD mạnh lên và lãi suất USD tăng.
Hơn nữa, tỷ lệ đòn bẩy của VJC an toàn hơn HVN, cho phép VJC có khả năng tài trợ cho việc mở rộng đội bay nhằm phục hồi hoạt động vận tải hàng không quốc tế trong giai đoạn tới, theo báo cáo tại VNDirect.
Ở chiều ngược lại, quy mô đội bay của HVN giảm sẽ làm giảm tiềm năng phục hồi của HVN, trong khi Bamboo Airways gặp phải các vấn đề trong giai đoạn tái cơ cấu.
Với lợi thế của hàng không giá rẻ, Vietjet có khả năng lãi hơn 1.300 tỷ đồng trong năm nay
VNDirect kỳ vọng sản lượng khách nội địa năm 2022 của Vietjet tăng 245%. Tăng trưởng có thể chậm lại đạt mức 12% trong năm 2023 do mức nền của năm 2022 tương đối cao.
Đối với đường bay quốc tế, sản lượng khách của Vietjet có thể đạt 2,43 triệu lượt trong năm 2022 (so với 0,1 triệu khách năm 2021) và sang năm 2023 có thể tăng 223% lên mức đạt 7,83 triệu khách, tương đương 97,4% mức cơ sở 2019 khi dịch chưa bùng phát.
Rủi ro về chính sách Zero COVID đối với Vietjet không cao do tỷ lệ khách Trung Quốc trên tổng lượng khách của Vietjet trước dịch khá thấp. VNDirect ước tính lợi nhuận ròng của Vietjet có thể đạt 1.317 tỷ trong năm 2022 từ mức 175 tỷ trong năm 2021, sau đó tăng 168% trong năm 2023 đạt 3.533 tỷ đồng.