Vietstock - Giá thép trong nước: Nóng - lạnh khó lường
Thời gian gần đây giá thép lại tiếp tục có xu hướng tăng. Chỉ tính từ ngày 18/10 đến 28/10/2021, các doanh nghiệp thép trong nước đã có hai đợt điều chỉnh, với tổng mức tăng từ 1.070 đồng/kg – 1.310 đồng/kg tùy từng loại sản phẩm và thương hiệu...
Giá thép có xu hướng tăng. |
Từ cuối năm 2020 đến những tháng đầu năm 2021, giá thép trong nước liên tục tăng cao buộc các bộ, ngành phải vào cuộc để bình ổn, sau đó thị trường đã dần hạ nhiệt.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, giá thép lại tiếp tục có xu hướng tăng. Chỉ tính từ ngày 18/10 đến 28/10/2021, các doanh nghiệp thép trong nước đã có hai đợt điều chỉnh, với tổng mức tăng từ 1.070 đồng/kg – 1.310 đồng/kg tùy từng loại sản phẩm và thương hiệu.
Lý giải nguyên nhân của việc tăng giá thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết là do ảnh hưởng của thị trường nguyên liệu và sản phẩm thép thế giới.
Giá nguyên liệu sản xuất thép toàn cầu 9 tháng 2021 diễn biến phức tạp, giá nguyên liệu sản xuất thép liên tục điều chỉnh tăng kể từ cuối năm 2020, trong đó giá quặng sắt thời điểm tháng 5/2021 tăng cao gấp 2,6 lần, giá phế liệu đã tăng 2,5 lần so với thời điểm cùng kỳ năm 2020.
Sau đó, giá các loại nguyên liệu trên đã điều chỉnh giảm nhẹ trong quý 2 và 3. Cụ thể ngày 8/10/2021, giá quặng sắt giao dịch ở mức 124,8-125,3 USD/tấn CFR cảng Thiên Tân (Trung Quốc), giảm khoảng 8 USD/tấn so với thời điểm 8/9/2021 và giảm khoảng 85 USD/tấn so với mức giá cao nhất được ghi nhận hồi đầu tháng 5/2021 (xấp xỉ 210 – 212 USD/tấn). Giá thép cuộn cán nóng ở mức 860 USD/tấn, CFR cảng Đông Á, giảm khoảng 10 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 9/2021.
Tuy nhiên, giá thép phế liệu sau khi giảm trong quý 3 đã điều chỉnh tăng trở lại. Theo đó, giá thép phế liệu loại HMS ½ 80:20 nhập khẩu cảng Đông Á ở mức 516USD/tấn CFR Đông Á ngày 8/10/2021. Mức giá này tăng 33USD/tấn so với đầu tháng 9/2021.
Bên cạnh đó, giá than mỡ luyện cốc xuất khẩu tại cảng Australia ngày 8/10/2021 giao dịch ở mức khoảng 332,5 USD/tấn FOB, tăng mạnh 32,5 USD so với đầu tháng 9/2021.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán ngân hàng Vietcombank (HM:VCB) (VCBS), giá than cốc từ đầu năm liên tục tăng do nhu cầu năng lượng tăng mạnh trong khi nền kinh tế hồi phục.
Cụ thể giá than tăng mạnh trong tháng 9/2021 chủ yếu do nhu cầu năng lượng tăng vượt dự báo cùng với việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu than từ Australia cũng như sản lượng khai thác than nội địa tăng lên chưa đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước. Trong dài hạn, giá than sẽ dần hạ nhiệt nhưng vẫn sẽ ở mức cao so với trước.
Ở thời điểm hiện nay, việc các nguyên vật liệu phục vụ sản xuất thép tiếp tục đi lên có thể gây nhiều áp lực cho giá thép xây dựng trong hai tháng cuối năm.
Đặc biệt đây cũng là thời điểm nhu cầu sử dụng thép xây dựng tăng cao do nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà cửa của người dân thường tăng mạnh vào các tháng cuối năm cũng như các dự án bất động sản lớn được triển khai trở lại sau một thời gian dài giãn cách.
Nhận định về giá thép thời gian tới, VSA cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang phục hồi, đồng nghĩa nhu cầu về thép của thế giới tăng, trong khi dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) và các tổ chức quốc tế đều khẳng định công suất thép toàn cầu năm nay chưa thể phục hồi như trước đại dịch.
Điều đó có nghĩa giá thép sẽ có khả năng còn tăng. Ngoài ra, hiện giá thép tăng còn chịu sự tác động của cước phí vận chuyển tăng cao, thiếu container tàu biển.
Chưa kể, mặc dù năng lực sản xuất các sản phẩm thép (thép xây dựng, thép ống, tôn mạ) của ngành thép Việt Nam đã đáp ứng đủ nhu cầu thị trường nội địa nhưng nguyên liệu (quặng sắt, phế thép), nhiên liệu và vật liệu tiêu hao thường xuyên (than mỡ, coke, điện cực, trục cán, vật liệu chịu lửa…), thiết bị dự phòng cho sản xuất thép hầu hết được nhập khẩu, nên thị trường thép Việt Nam chịu chi phối bởi thị trường toàn cầu.
Do đó, thị trường thép sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, giá cả nguyên vật liệu và thép thành phẩm trên thế giới sẽ có nhiều biến động, có thể sẽ thiết lập một mặt bằng giá mới trên thị trường thế giới và nội địa.
Mạnh Đức