Vietstock - Giá dầu WTI rớt mốc 75 USD vì bất ổn ở Trung Quốc
Giá dầu lao xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021 khi các đợt biểu tình ở Trung Quốc làm giảm tâm lý ưa thích rủi ro từ phía nhà đầu tư và triển vọng về nhu cầu năng lượng. Điều này càng gây thêm căng thẳng lên thị trường dầu thô toàn cầu vốn đã rất mong manh.
Giá dầu WTI tương lai rớt mốc 75 USD/thùng sau 3 tuần giảm liên tiếp. Đồng USD tăng giá nhờ nhu cầu trú ẩn an toàn sau khi các đợt biểu tình phản đối cách kiểm soát COVID lan rộng ra nhiều thành phố ở Trung Quốc (quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới) vào cuối tuần trước.
Đà giảm của giá dầu trong thời gian gần đây là bước ngoặt mới nhất trong 12 tháng biến động vừa qua, nhất là sau cuộc chiến ở Ukraine, làn sóng thắt chặt tiền tệ quyết liệt trên toàn cầu và nỗ lực triệt tiêu COVID của Trung Quốc. Trong những ngày gần đây, các nhà ngoại giao thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng bận rộn đàm phán về mức trần với giá dầu thô của Nga. Các cuộc đàm phán sẽ được nối lại trong ngày 28/11/2022.
“Tâm lý trên thị trường dầu vẫn còn tiêu cực và diễn biến vào cuối tuần trước ở Trung Quốc rõ ràng không giúp ích gì cho thị trường”, Warren Patterson, Trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại ING Groep NV ở Singapore, cho hay. “Hiện mọi sự chú ý đều đổ dồn vào câu chuyện nhu cầu”.
Bên cạnh Trung Quốc, các trader cũng đang đánh giá khả năng Mỹ cấp quyền cho Chevron nối lại hoạt động sản xuất dầu ở Venezuela. Việc nới lỏng lệnh trừng phạt diễn ra sau khi các nhà hòa giải Na Uy thông báo nối lại các cuộc đàm phán chính trị giữa Tổng thống Nicolas Maduro và phe đối lập vào cuối tuần này.
Trong ngày 28/11, giá dầu WTI giao tháng 1/2023 giảm tới 3.2% xuống 73.82 USD/thùng, trước khi hồi phục về 74.29 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent giao tháng 1/2023 giảm 2.3% xuống 81.7 USD/thùng.
Kể từ đầu đại dịch COVID, Trung Quốc tuân theo chiến lược xét nghiệm và phong tỏa trên diện rộng để kiểm soát dịch bệnh, cùng với việc tiêm ngừa vắc-xin. Cách tiếp cận này gây tổn thương tới nhu cầu năng lượng và khiến người dân phẫn nộ về các biện pháp kiểm soát quá nghiêm ngặt trong khi các quốc gia khác đã mở cửa kinh tế. Bất chấp hàng loạt biện pháp kiểm soát, số ca nhiễm COVID vẫn lập kỷ lục mới trong tháng này.
Ở châu Âu, các thành viên EU vẫn chưa nhất trí về mức giá trần với dầu Nga. Trong khi Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic phản đối đề xuất giá trần 65 USD/thùng, cho rằng điều đó là quá hào phóng đối với Moscow, thì các quốc gia vận chuyển như Hy Lạp lại ủng hộ mức cao hơn. Nga cho biết họ sẽ cấm bán dầu cho bất kỳ quốc gia tham gia vào thỏa thuận này.
Đà tăng của đồng USD thường khiến các hàng hóa định giá bằng đồng bạc xanh trở nên đắt đỏ hơn với các nhà nhập khẩu. Chỉ số đồng USD của Bloomberg đang tăng 0.5%.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)