Vietstock - EU đề xuất kế hoạch cấm nhập khẩu dầu từ Nga
Trong ngày 04/05, Ủy ban châu Âu (EC) – cánh tay điều hành của Liên minh châu Âu (EU) – đưa ra các biện pháp trừng phạt mới với Nga, trong đó bao gồm kế hoạch loại bỏ dần dầu nhập khẩu từ Nga trong 6 tháng.
Việc Nga tiến công vào Ukraine đã thúc đẩy EU đưa ra các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn đối với ngành năng lượng Nga. Tuy nhiên, việc áp đặt biện pháp giảm hoặc cấm hoàn toàn nguồn cung năng lượng từ Nga là một bài toán khó khăn dành cho EU khi lục địa này phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga. Trong năm 2020, dầu nhập khẩu từ Nga chiếm 25% kim ngạch nhập khẩu dầu của EU, theo dữ liệu chính thức.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen
|
“Rõ ràng, điều này không hề dễ dàng”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết trong bài phát biểu trước Quốc hội trong ngày 04/05. “Một vài quốc gia thành viên phụ thuộc nhiều vào dầu từ Nga. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ phải giải quyết vấn đề này. Chúng tôi hiện đề xuất cấm hoàn toàn đối với dầu nhập khẩu từ Nga qua đường biển và ống dẫn dầu, cả dầu thô và dầu tinh chế”.
Slovakia và Hungary sẽ được miễn trừ?
Lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga là chủ đề gây nhiều tranh cãi trong nội bộ của EU, nhưng đề xuất này dần dần được ủng hộ nhiều hơn, nhất là sau khi Đức thay đổi ý định. Slovakia và Hungary – hai nước phụ thuộc nhiều vào năng lượng từ Nga – yêu cầu được loại trừ khỏi lệnh cấm này.
Bà Von der Leyen không đưa ra các thông tin chi tiết về khả năng miễn trừ với một số quốc gia trong bài phát biểu. Tuy nhiên, 3 quan chức EU giấu tên cho biết đề xuất của Ủy ban châu Âu có bao gồm điều khoản cho phép Slovakia và Hungary giảm dần dầu từ Nga trong thời gian dài hơn.
Theo nguồn tin này, Slovakia và Hungary sẽ có tới cuối năm 2023 để ngừng hoàn toàn nhập khẩu dầu từ Nga.
Phát biểu trong ngày 04/05, bà von der Leyen lý giải việc loại bỏ dần dầu từ Nga trong 6 tháng sẽ cho thị trường hàng hóa thời gian để điều chỉnh.
“Chúng tôi sẽ gây áp lực tối đa với Nga, đồng thời làm giảm thiểu thiệt hại cho EU và các nước đối tác. Để giúp Ukraine, nền kinh tế chúng ta buộc phải duy trì sức mạnh”, bà nói thêm.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Nga là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới, chiếm 14% nguồn cung toàn cầu vào năm ngoái. Gần 2/3 lượng dầu xuất khẩu của nước này được đưa tới châu Âu. Cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt nhắm vào Điện Kremlin đã khiến giá dầu tăng vọt.
Theo giới quan sát, trên thực tế, EU khó đưa ra lệnh cấm vận đốt với khí đốt tự nhiên của Nga vào thời điểm này. Bởi những thiệt hại kinh tế mà nó gây ra sẽ rất lớn. Tuy nhiên, châu Âu vẫn có thể chống chịu được.
Mỹ, Anh, Canada và Australia đều đã cấm vận dầu Nga. Những hạn chế nhắm vào các ngân hàng, tổ chức tài chính và giới nhà giàu Nga cũng tạo ra lệnh cấm ngầm đối với ngành công nghiệp năng lượng nước này.
Theo dữ liệu của Bloomberg, lượng dầu thô được chuyển từ Nga tới Tây Bắc Âu mỗi ngày đã giảm mạnh, dù vẫn ở mức cao.
Vũ Hạo (Theo CNBC)