Vietstock - Dầu tiếp tục giảm gần 2%
Giá dầu tiếp tục giảm vào ngày thứ Ba (08/02), trước khi nối lại các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Mỹ và Iran về thỏa thuận hạt nhân có thể dẫn đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với hoạt động bán dầu của Iran, qua đó làm gia tăng nguồn cung toàn cầu.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent lùi 1.78 USD (tương đương 1.9%) xuống 90.91 USD/thùng, sau khi chạm mức đỉnh 7 năm là 94 USD/thùng vào ngày 07/02. Hợp đồng dầu WTI mất 1.72 USD (tương đương 1.9%) còn 89.60 USD/thùng.
Cả 2 hợp đồng này đều đã chạm đỉnh 7 năm gần đây, được hỗ trợ bởi nhu cầu toàn cầu tăng mạnh, căng thẳng leo thang ở Đông Âu và khả năng gián đoạn nguồn cung do điều kiện thời tiết lạnh giá ở Mỹ.
Các cuộc đàm phán về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, vốn đang diễn ra ở Vienna, sẽ nối lại vào ngày thứ Ba sau 10 ngày tạm dừng. Mỹ đã khôi phục một số lệnh miễn trừng phạt, trong khi Iran đang yêu cầu dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt và Mỹ đảm bảo không có thêm các bước trừng phạt.
“Tuy nhiên, nhiều tín hiệu khởi sắc tiếp tục xuất hiện đối với dầu”, các chuyên gia phân tích tại ANZ cho biết, chỉ ra việc Ả-rập Xê-út đang nâng giá dầu và một nhà máy lọc dầu tại Mỹ bất ngờ đóng cửa.
Edward Moya, Chuyên gia phân tích tại Oanda, nhận định: “Mặc dù sự lạc quan về các cuộc đàm phán Mỹ - Iran đã dẫn đến một số động thái chốt lời, đà suy yếu của giá dầu có thể sẽ chỉ tồn tại trong ngắn hạn khi thị trường dầu vẫn trong tình trạng thâm hụt nguồn cung”.
Saudi Aramco vào ngày 06/02 đã cho biết sẽ nâng giá đối với tất cả các loại dầu thô bán cho châu Á trong tháng 3 từ tháng 02/2022, phù hợp với kỳ vọng của thị trường, phản ánh nhu cầu ổn định ở châu Á và tỷ suất lợi nhuận cao đối với xăng dầu và nhiên liệu máy bay.
Tại Mỹ, một nhà máy lọc dầu ở Texas đã ngừng sản xuất vào ngày 04/02 do cúp điện trên toàn thành phố, khi nhiệt độ băng giá từ Bắc Cực quét qua vùng Gulf Coast, mặc dù một số nhà máy lọc dầu đang khôi phục hoặc hoạt động trở lại gần như bình thường.
An Trần (Theo CNBC)