Vietstock - Dầu tăng nhẹ trước những tín hiệu tích cự từ Trung Quốc
Giá dầu tăng nhẹ trong phiên biến động ngày thứ Hai (17/10), khi Trung Quốc tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng đã phần nào bù đắp những lo ngại về lạm phát và chi phí năng lượng cao có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu Brent tiến 14 xu (tương đương 0.15%) lên 91.75 USD/thùng, phục hồi từ đà giảm 6.4% hồi tuần trước. Hợp đồng dầu WTI gần như đi ngang, hạ 5 xu (tương đương 0.06%) xuống 85.56 USD/thùng sau khi sụt 7.6% trong tuần trước.
Vandana Hari, chuyên gia phân tích năng lượng tại Vanda Insights, cho rằng mức giảm 3-4% hồi thứ Sáu tuần trước (14/10) đã khuyến khích một số động thái săn hàng giá rẻ vào ngày thứ Hai, tuy nhiên, động lực có vẻ yếu với khối lượng giao dịch thấp.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã gia hạn các khoản vay chính sách trung hạn vào ngày thứ Hai, trong khi giữ lãi suất không đổi trong tháng thứ 2, một tín hiệu cho thấy ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.
Một quan chức cấp cao của Cơ quan Năng lượng Quốc giá Trung Quốc cho biết vào ngày thứ Hai rằng Bắc Kinh cũng sẽ tăng cường khả năng cung cấp năng lượng trong nước và tăng cường kiểm soát rủi ro đối với các mặt hàng quan trọng bao gồm than, dầu, khí đốt và điện.
Một quan chức nhà nước khác phát biểu trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng dự trữ cho các hàng hoá quan trọng.
Dữ liệu kinh tế và thương mại Trung Quốc dự kiến công bố trong tuần này, với tăng trưởng GDP quý 3 có khả năng phục hồi từ quý trước, tuy nhiên, năm 2022 có thể là năm tồi tệ nhất của kinh tế Trung Quốc trong gần nửa thế kỷ qua.
Dữ liệu GDP quý 3, cùng với dữ liệu hoạt đọng tháng 9, dự kiến công bố vào ngày 18/10.
Trong khi đó, đồng USD mạnh và nâng lãi suất từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang kìm hãm đà tăng giá dầu.
Chủ tịch Fed khu vực St. Louis, James Bullard, vào ngày 14/10 cho biết lạm phát đã trở nên “nguy hiểm” và khó kiểm soát, đảm bảo tiếp tục kiểm soát trước thông qua việc nâng lãi suất mạnh hơn mức 0.75%.
Lạm phát tại Mỹ vẫn ở mức cao và tăng trưởng ở các nước châu Âu được dự báo sẽ giảm xuống 0.5%, quan chức Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết vào ngày thứ Hai.
Nguồn cung dầu có khả năng vẫn bị khan hiếm sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga cam kết vào ngày 05/10 sẽ cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày, trong khi cuộc khẩu chiến giữa nhà lãnh đạo thực tế OPEC, Ả-rập Xê-út, và Mỹ có thể báo trước nhiều biến động.
An Trần (Theo CNBC)