Vietstock - Dầu tăng khi nhu cầu mạnh, nguồn cung khan hiếm
Giá dầu tăng vào ngày thứ Ba (21/6) nhờ nhu cầu nhiên liệu trong mùa hè tăng cao, trong khi nguồn cung vẫn khan hiếm vì các lệnh trừng phạt đối với dầu Nga sau cuộc xung đột với Ukraine.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent tiến 52 xu (tương đương 0.5%) lên 114.65 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI cộng 1.53 USD lên 109.52 USD/thùng.
Vào tuần trước, cả 2 hợp đồng dầu đều ghi nhận tuần sụt giảm. Đối với dầu WTI, đó là tuần giảm đầu tiên trong 8 tuần, là là tuần giảm đầu tiên trong 5 tuần đối với dầu Brent.
Robert Yawger, Giám đốc hợp đồng năng lượng tương lai tại Mizuho, nhận định: “Bạn có một số người nhảy vào bắt đáy ở đây hoặc họ hy vọng đây là đáy của thị trường”.
Giá dầu được hỗ trợ khi Giám đốc điều hành Exxon Mobil Corp (NYSE:XOM), Darren Woods, dự báo thị trường dầu khá khan hiếm trong 3 – 5 năm tới.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy dự trữ dầu thô và xăng tại Mỹ có thể giảm trong tuần trước, còn dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng.
Về phía nhu cầu, chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho biết bất chấp những lo ngại về tăng trưởng kinh tế, dữ liệu tiếp tục cho thấy nhu cầu dầu mạnh mẽ.
“Chúng tôi kỳ vọng nhu cầu dầu sẽ cải thiện hơn nữa, được hưởng lợi từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại, du lịch mùa hè ở Bắc Bán cầu và thời tiết ấm dần lên ở Trung Đông. Với tăng trưởng nguồn cung thấp hơn tăng trưởng nhu cầu trong vài tháng tới, chúng tôi tiếp tục dự báo giá dầu tăng cao”, ông Staunovo chia sẻ.
Nhà Trắng đã yêu cầu giám đốc điều hành của 6 công ty dầu tham gia cuộc họp vào ngày 23/6 để thảo luận về những cách làm giảm giá năng lượng cao chót vót.
Vào ngày thứ Hai (20/6), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết quyết định về việc tạm dừng thu thuế xăng liên bang có thể được đưa ra trong tuần này. Mỹ cũng tham gia đàm phán với Canada và các đồng minh khác về để hạn chế doanh thu năng lượng của Moscow bằng cách áp đặt giới hạn giá đối với dầu Nga, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết vào ngày 20/6.
Thị trường cũng nhận được hỗ trợ bởi những lo ngại về nguồn cung sau các lệnh trừng phạt đối với dầu Nga, quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ 2 thế giới, và những lo ngại sản lượng của Nga có thể giảm do các lệnh trừng phạt này.
An Trần (Theo CNBC)