Vietstock - Dầu giảm trước thềm cuộc họp của Fed
Giá dầu giảm vào ngày thứ Ba (14/6) do lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ khiến thị trường bất ngờ với một đợt nâng lãi suất cao hơn dự kiến.
Hầu hết những người quan sát Fed dự báo Cơ quan này sẽ nâng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp kết thúc vào ngày 15/6. Tuy nhiên, sau dữ liệu giá tiêu dùng CPI bất ngờ mạnh vào ngày 10/6, nhiều người dự báo Fed sẽ nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba, hợp đồng dầu Brent lùi 1.10 USD (tương đương 0.9%) xuống 121.17 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI mất 2 USD (tương đương 0.7%) còn 118.93 USD/thùng.
John Kilduff, Đối tác tại Again Capital LLC, nhận định: “Lo ngại về việc nâng lãi suất mạnh hơn đang khiến chứng khoán và giá dầu giảm”.
Giá dầu bị áp lực bởi báo cáo rằng Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ, Ron Wyden, có kế hoạch đưa ra luật với mức thuế phụ thu 21% đối với lợi nhuận của các công ty dầu mỏ được xem là vượt mức, Reuters đưa tin.
Dự luật sẽ áp dụng mức thuế bổ sung 21% đối với lợi nhuận vượt trội của các công ty xăng dầu với hơn 1 tỷ USD doanh thu thu hàng năm.
Tình trạng khan hiếm nguồn cung trở nên trầm trọng hơn khi Libya sụt giảm xuất khẩu trong bối cảnh khủng hoảng chính trị đã ảnh hưởng đến sản lượng và cảng xuất khẩu.
Các quốc gia sản xuất khác thuộc OPEC+ đang gặp khó khăn để đáp ứng hạn ngạch sản lượng và Nga phải đói mặt với các lệnh cấm vận dầu do cuộc chiến ở Ukraine.
Bộ Năng lượng Mỹ cũng thông báo bán 45 triệu thùng dầu thô lần thứ 4 từ Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR).
UBS đã nâng dự báo giá dầu Brent lên 130 USD/thùng vào cuối tháng 9/2022 và lên 125 USD/thùng trong 3 quý tiếp theo, tăng so với dự báo 115 USD/thùng trước đó.
Về mặt nhu cầu, đợt bùng phát Covid-19 mới nhất ở Trung Quốc bắt nguồn từ một quán bar ở Bắc Kinh đã làm dấy lên lo nagị về một giai đoạn phong tỏa mới.
Trong một báo cáo định kỳ hàng tháng, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã giữ nguyên dự báo nhu cầu dầu thế giới sẽ vượt mức trước đại dịch vào năm 2022, tuy nhiên, cho biết cuộc xung đột Nga – Ukraine và những diễn biến liên quan đại dịch Covid-19 gây ra rủi ro đáng kể.
An Trần (Theo Reuters)