Vietstock - Dầu giảm mạnh trước lo ngại về đà leo dốc của sản lượng tại Mỹ
Các hợp đồng dầu thô tương lai quay đầu giảm mạnh trong ngày thứ Hai, đồng thời ghi nhận phiên sụt giảm đầu tiên trong 3 phiên, khi dữ liệu gần đây cho thấy số giàn khoan dầu tại Mỹ tiếp tục tăng trong tuần trước, qua đó làm dấy lên lo ngại về đà leo dốc của sản lượng dầu thô ở nước này, MarketWatch đưa tin.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1 trên sàn Nymex lùi 89 xu (tương đương 1.5%) xuống 57.47 USD/thùng, sau khi đóng cửa tại đỉnh 1 tuần vào ngày thứ Sáu.
Hợp đồng dầu Brent giao tháng 2 trên sàn Luân Đôn mất 1.28 USD (tương đương 2%) còn 62.45 USD/thùng.
Robbie Fraser, Chuyên gia phân tích hàng hóa tại Schneider Electric, nhận định: “Trong khi Bộ trưởng dầu mỏ Ả-rập Xê-út, Khalid al-Falih, đã một lần nữa nhấn mạnh rằng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự định tiếp tục thực hiện cam kết cắt giảm sản lượng với mức độ tuân thủ cao nhằm làm giảm dự trữ dầu toàn cầu, thị trường vẫn tỏ ra lo ngại rằng đà leo dốc của sản lượng dầu tại Mỹ có thể thách thức mục tiêu này”.
“Sự lo lắng này một lần nữa càng nhiều thêm khi dữ liệu mới nhất từ Baker Hughes trong ngày thứ Sáu cho thấy số giàn khoan dầu tiếp tục gia tăng”, ông Fraser chia sẻ.
Cụ thể, dữ liệu từ Baker Hughes cho biết số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ cộng 2 giàn lên 749 giàn, một dấu hiệu cho thấy sự nhảy vọt của giá dầu đã thúc đẩy các nhà sản xuất tại Mỹ gia tăng sản lượng.
Giá dầu đã nhảy vọt trong ngày thứ Năm và thứ Sáu sau khi các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC quyết định gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018.
Vào ngày thứ Hai, thông tin sản lượng dầu thô của các thành viên OPEC sụt giảm đã không hỗ trợ nhiều cho giá dầu. Cụ thể, một cuộc thăm dò của Reuters cho biết sản lượng dầu của OPEC mất 300,000 thùng/ngày còn 32.35 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 5/2017. Cuộc thăm dò này cũng chỉ ra mức độ tuân thủ cắt giảm sản lượng của OPEC vọt từ 92% (trong tháng 10) lên 112% (trong tháng 11).
Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích tại Sevens Report chỉ ra rằng OPEC đã mập mờ tiết lộ họ sẽ đánh giá lại chính sách vào tháng 6/2018 tại cuộc họp tuần trước. Điều này có nghĩa là thỏa thuận cắt giảm chỉ được gia hạn thêm 3 tháng thay vì 9 tháng (kể từ tháng 3/2018)”.
Bên cạnh đó, giá dầu cũng chịu sức ép từ sự phục hồi của đồng USD trong ngày thứ Hai. Đồng USD tăng mạnh có thể tác động tiêu cực đến các hàng hóa được neo giá theo đồng bạc xanh, như dầu.
Chỉ số đồng USD (ICE U.S. Dollar Index) – thước đo diễn biến của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác – tiến 0.3% sau khi Thượng viện Mỹ thông qua kế hoạch cải cách mã số thuế của Đảng Cộng hòa.
Cũng trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng xăng giao tháng 1 sụt 2.8% xuống 1.692 USD/gallon. Hợp đồng dầu sưởi giao tháng 1 mất 2.4% còn 1.895 USD/gallon.
Hợp đồng khí thiên nhiên giao tháng 1 lùi 2.5% xuống 2.985 USD/MMBtu.
An Trần