Vietstock - Châu Á “ngập” trong thép Trung Quốc do thuế quan của Mỹ
Thuế nhập khẩu áp lên mặt hàng thép của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm ngoái đã tách thị trường Mỹ với phần còn lại của thể giới, khiến châu Á ngập trong thép từ Trung Quốc, theo tờ Nikkei.
Thép ống chờ xuất khẩu tại cảng Lianyungang tại tỉnh Giang Tô, Trung Quốc - Ảnh: Getty Images.
|
Sản lượng thép thô cao chưa từng thấy
Theo dữ liệu mới công bố của Hiệp hội Thép Thế giới, sản lượng thép thô toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất lịch sử 925,06 triệu tấn. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng chi tiêu vào cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, sản lượng thép của quốc gia này tăng 9,9% lên 492,16 triệu tấn, vượt xa mức trung bình toàn cầu.
Khu vực châu Á đang phải vật lộn để tiêu thụ lượng thép khổng lồ từ Trung Quốc. Trong 5 tháng đầu năm nay, nhập khẩu thép carbon Trung Quốc của Nhật tăng 73% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, điều kiện thị trường khó khăn khiến Krakatau Steel, nhà sản xuất thép lớn nhất Indonesia, phải cắt giảm 30% lực lượng lao động.
Sự gia tăng đột biến trong sản lượng thép Trung Quốc đi ngược lại những nỗ lực giảm dư cung trong ngành này của Bắc Kinh. Dòng vốn chảy vào ngành này không có dấu hiệu suy giảm. Năm ngoái, Baoshan Iron & Steel, công ty con của tập đoàn thép hàng đầu Trung Quốc China Baowu Steel Group, đưa vào hoạt động lò luyện thứ ba tại nhà máy ở tỉnh Quảng Đông. Lò luyện mới của công ty này có thể cho ra sản lượng hơn 10 triệu tấn thép mỗi năm, theo Baoshan.
Tuy nhiên, chiến tranh thương mại kéo tụt nhu cầu thép của các hãng ôtô Trung Quốc và các nhà sản xuất công nghiệp khác. Theo đó, các hãng thép quay sang thị trường nước ngoài. Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thép tấm của Trung Quốc tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá thép cuộn cán nóng - dùng cho ôtô và các sản phẩm khác, tại các thị trường xuất khẩu Đông Á giảm xuống 550 USD/tấn từ mức 640 USD/tấn vào tháng 10 năm ngoái.
Thuế quan 25% của Mỹ từ tháng 3/2018 cũng đẩy dòng xuất khẩu thép Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào châu Âu, gây thiệt hại không nhỏ cho các nhà sản xuất tại khu vực này. Hồi tháng 5/2019, công ty British Steel - được lập thành từ tài sản mua từ Tata Steel của Ấn Độ năm 2016, tuyên bố phá sản. Hãng thép số một thế giới ArcelorMittal, có trụ sở tại Luxembourg, cũng công bố kế hoạch giảm sản lượng.
Mỹ cũng gặp rắc rối
Mỹ cũng đang phải đối mặt với những vấn đề riêng. Dù việc chính quyền của ông Trump áp thuế 25% lên thép nhập khẩu là cú hích cho các nhà sản xuất thép trong nước, sản lượng thép của quốc gia này vẫn giảm do nhu cầu nội địa suy yếu trong bối cảnh chiến tranh thương mại.
Chính quyền của ông Trump đưa ra lý do an ninh quốc gia cho việc áp thuế nhập khẩu thép, một trong những động thái đầu tiên nhằm bảo vệ ngành thép nước này. Hãng thép hàng đầu nước này U.S. Steel đã bắt đầu khôi phục hoạt động hai lò luyện thép tại bang Illinois, sau khi đóng cửa vào năm 2015.
Tuy nhiên, tuyên bố cắt giảm sản lượng của các hãng thép Mỹ cho thấy điều ngược lại. Tháng trước, U.S. Steel cho biết sẽ ngưng hoạt động 2 lò thép khác, giảm sản lượng khoảng 200.000 - 225.000 tấn mỗi tháng, tương đương khoảng 3% tổng sản lượng thép của Mỹ. Trong khi đó, AK Steel, nhà sản xuất thép lớn thứ tư tại Mỹ, hồi tháng 1 nói rằng sẽ đóng cửa nhà máy ở Kentucky vào cuối năm nay.
Nhu cầu ảm đạm tại thị trường Mỹ được cho là nguyên nhân chính. Doanh số ôtô mới tại nước này trong nửa đầu năm nay đã giảm 2%, dấu hiệu cho thấy sự suy yếu trong ngành công nghiệp ôtô - khách hàng chính của ngành thép. Giá thép cuộn nóng tại Mỹ đã giảm xuống quanh mức 630 USD/tấn, sau khi chạm ngưỡng 1.000 USD hồi tháng 7/2018.
Sản lượng thép thô toàn cầu đạt 1,8 tỷ tấn trong năm 2018. Trung Quốc, với sản lượng tối đa ước tính 1,3 tỷ tấn/năm, đã giảm khoảng 120 triệu tấn vào năm 2016, 2017 và giảm thêm 30 triệu tấn trong năm ngoái.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, công suất thép toàn cầu vẫn đứng ở mức 2,23 tỷ tấn trong năm ngoái và dự báo sẽ tăng lên 5% từ năm 2019 đến 2021, chủ yếu do các nhà sản xuất tại châu Á, gồm Trung Quốc và Ấn Độ.
"Thế giới rõ ràng đang dư thừa thép", Atsushi Yamaguchi, nhà phân tích cấp cao tại SMBC Nikko Securities, cho biết.
Sản lượng thép Trung Quốc tăng đẩy giá quặng sắt lên cao, ngành này đối mặt với nguy cơ chi phí đầu vào cao nhưng giá bán ra thấp. Rào cản tại thị trường Mỹ có thể càng làm cho nhu cầu thép giảm sâu hơn trong bối cảnh cung đã vượt xa cầu.
Ngọc Trang