Trong quý 1/2023 xuất khẩu dệt may giảm 19% so với cùng kỳ, như vậy 2 quý liên tiếp ngành dệt may tăng trưởng âm và dấu hiệu sáng lại chưa rõ ràng. Tháng 3/2023 kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam tiếp tục giảm 15% so cùng kỳ năm ngoái, đạt 3,2 tỷ USD. Lũy kế hết quý 1/2023 xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 8,6 tỷ USD, giảm 19% so cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý thứ 2 liên tiếp xuất khẩu dệt may Việt Nam, bao gồm cả sợi tăng trưởng âm và cũng là lần đầu tiên sau 10 năm (trừ Quý 1/2020 xảy ra dịch Covid) dệt may Việt Nam có quý 1 xuất khẩu giảm so cùng kỳ.
Theo thông tin từ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (HN:VGT), trong tháng 3/2023 chỉ duy nhất thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc xuất khẩu của dệt may Việt Nam duy trì tăng nhẹ so cùng kỳ, lần lượt là 9% và 2%, kim ngạch đạt 340 triệu USD và 330 triệu USD.
Các thị trường lớn khác như Mỹ, EU, Trung Quốc xuất khẩu tiếp tục suy giảm. Lũy kế hết quý 1/2023, duy nhất thị trường Nhật Bản xuất khẩu tăng, kim ngạch xuất khẩu đạt 920 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ năm trước.
Thị trường Mỹ, tiếp tục suy giảm tháng thứ 6 liên tiếp, quý 1/2023 chứng kiến mức giảm mạnh 30% so cùng kỳ, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 3,1 tỷ USD trong khi cùng kỳ quý 1 năm trước đạt hơn 4,5 tỷ USD. Tính bình quân Quý 1/2023 mỗi tháng xuất khẩu đi Mỹ giảm 500 triệu USD.
Thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu đạt 820 triệu USD, giảm 12% so cùng kỳ. Thị trường Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu đạt 680 triệu USD, giảm 33% so cùng kỳ, tương ứng trị giá suy giảm 340 triệu USD.
Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, chịu tác động ở mức độ nhẹ hơn so với nhiều doanh nghiệp khác trong ngành, đơn hàng của May 10 chỉ giảm 10% trong quý 1/2023. Tuy nhiên, nhìn sang quý 2, quý 3/2023 tình hình đơn hàng vẫn chưa có nhiều cải thiện, đơn hàng quý 2 của doanh nghiệp thậm chí sụt giảm mạnh hơn, khoảng 20-30%.
Nhận định ở phạm vi rộng hơn, Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP. HCM cho hay: Quý 1/2023, hầu hết doanh nghiệp đều bị giảm đơn hàng từ 30-40%, nguyên nhân là do lạm phát tại những thị trường xuất khẩu dệt may lớn của Việt Nam tăng cao khiến người dân tiết kiệm chi tiêu, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu. Mặt khác, chi phí năng lượng cao đã đẩy chi phí đầu vào tăng cộng hưởng thêm khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong tình huống khó khăn, doanh nghiệp dệt may trong nước nỗ lực xoay sở để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Doanh nghiệp sẵn sàng nhận đơn hàng khó, giá rẻ. Ví dụ, trước dịch Covid-19, doanh nghiệp thường nhận đơn hàng có từ mấy chục nghìn đến hàng trăm nghìn sản phẩm trên một mã nhưng nay nhận đơn hàng chỉ 1.000 - 3.000 sản phẩm mỗi mã.
Nhận định về tình hình thị trường thời gian tới, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho rằng: Hiện các dự báo đều chưa đưa ra được thị trường sẽ còn trầm lắng trong bao lâu, như vậy xác định phải đối mặt với quý 2 vô cùng khó khăn.
Theo đó, lãnh đạo Tập đoàn đề nghị các đơn vị cần làm tốt công tác thị trường, tìm kiếm các khách hàng mới. Tập đoàn cũng sẽ cập nhật, thông tin kịp thời về diễn biến thị trường để các đơn vị có cơ sở trong việc đàm phán với khách hàng và tổ chức kế hoạch sản xuất. Các doanh nghiệp cần có sự chia sẻ, tạo sự liên kết về đơn hàng, nguyên phụ liệu, thiết bị, giá và tăng cường sử dụng trong chuỗi với nhau. Quản trị sản xuất hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm tối đa chi phí không cần thiết trong sản xuất. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần có giải pháp, sắp xếp điều hành sản xuất các đơn hàng nhỏ lẻ có hiệu quả.