Vietstock - Bộ Công Thương sẽ không can thiệp vào giá chiết khấu bán lẻ xăng dầu
Tại buổi họp báo thường kỳ quý 3/2022, Bộ Công Thương đã giải đáp một số vấn đề nổi bật liên quan đến lĩnh vực xăng dầu trong thời gian vừa qua, trong đó có thời hạn điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu cũng như đề xuất về mức chiết khấu tối thiểu cho các đại lý.
Trong buổi họp, có đại biểu đề cập đến việc Nhà nước cần có quy định về mức chiết khấu tối thiểu trong kinh doanh xăng dầu, trước tình trạng nhiều cửa hàng phải đóng cửa vì thua lỗ với mức chiết khấu 0 đồng.
Bộ Công Thương cho biết mức chiết khấu là mức giảm giá của đơn vị bán xăng dầu cho đơn vị mua xăng dầu so với giá bán lẻ xăng dầu. Nhà nước chỉ quản lý và điều hành giá bán lẻ mặt hàng xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), không điều chỉnh mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chủ trì cuộc họp báo
|
Điều này là phù hợp với thực tế do giá bán lẻ xăng dầu đã được Nhà nước điều hành và quy định mức giá trần nên mức chiết khấu là yếu tố quan trọng để phản ánh tính thị trường, đồng thời, là yếu tố được điều chỉnh linh hoạt giúp các doanh nghiệp điều hành hoạt động kinh doanh phù hợp với biến động cung cầu, giá cả xăng dầu trên thị trường thế giới và trong nước. Bên cạnh đó, thị trường xăng dầu trong nước hiện đã tương đối cạnh tranh với sự tham gia của ngày càng nhiều chủ thể kinh doanh xăng dầu, Nhà nước không nên can thiệp vào những thỏa thuận dân sự, phù hợp với quy định của pháp luật giữa các doanh nghiệp, giúp lĩnh vực kinh doanh xăng dầu phát triển theo định hướng kinh tế thị trường.
Về việc rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu
Nhiều ý kiến đang đề xuất xem xét lại thời gian điều hành giá bán lẻ xăng dầu, có thể xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh xuống 5 ngày thay vì 10 ngày và tiến tới mục tiêu giá về thị trường thay đổi theo hàng ngày.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương trả lời theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, thời gian điều hành giá xăng dầu giữa 02 kỳ điều hành đã được điều chỉnh giảm từ 15 ngày xuống 10 ngày (cụ thể vào các ngày 01, 11, 21 hàng tháng). Việc rút ngắn thời gian điều hành nêu trên đã được điều chỉnh trên cơ sở ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội kinh doanh xăng dầu (những đơn vị trực tiếp liên quan và có kinh nghiệm nhiều trong việc mua bán xăng dầu trên thị trường).
Khoảng thời gian 10 ngày được các doanh nghiệp nhận định là phù hợp với phương thức tính giá mua bán và nhập hàng của các doanh nghiệp, phù hợp với chu kỳ lấy giá để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Tổng cục Thống kê, giữ mức ổn định tương đối để thực hiện kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp cũng như mục tiêu bình ổn thị trường.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan, rà soát, đánh giá và nếu cần thiết sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi quy định về thời gian điều hành giá cũng như một số quy định khác trong Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế.
Trả lời cho việc có thời điểm, giá bán buôn xăng dầu cao hơn giá bán lẻ xăng dầu, Bộ nhận xét theo quy định tại Khoản 27, Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Điều 38 Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu được quyền quyết định giá bán buôn. Căn cứ vào tình hình thực tế tại doanh nghiệp, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân phân phối xăng dầu quyết định giá bán lẻ xăng dầu trong hệ thống phân phối của mình phù hợp với chi phí phát sinh thực tế tại doanh nghiệp và không cao hơn giá điều hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
Nhà nước chỉ điều hành và quy định đối với giá bán lẻ xăng dầu (để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và điều hành kinh tế vĩ mô), doanh nghiệp đầu mối và doanh nghiệp phân phối có quyền quyết định giá bán buôn xăng dầu. Như vậy, giá bán buôn xăng dầu được xác định hoàn toàn theo các quy luật thị trường (quy luật cung cầu, quy luật giá cả, quy luật giá trị...) do đó giá bán buôn sẽ biến động liên tục lúc cao, lúc thấp và do các yếu tố trên thị trường quyết định. Trong khi đó, giá bán lẻ xăng dầu được điều hành theo chu kỳ cố định khoảng 10 ngày/lần, trong khoảng 10 ngày đó, nếu giá bán lẻ được giữ ổn định sẽ có những lúc có thể thấp hơn giá bán buôn.
Ngoài ra, các chi phí cấu thành giá bán lẻ được rà soát, công bố định kỳ (6 tháng/lần) nên có những giai đoạn (nhất là trong thời gian vừa qua thị trường chịu ảnh hưởng của các yếu tố dịch bệnh, địa chính trị) chi phí tăng cao nhưng chưa kịp phản ánh vào giá bán lẻ do nhà nước công bố, trong khi giá bán buôn luôn được cấu thành từ các chi phí thực tế phát sinh nên sẽ có thể chênh lệch cao hơn giá bán lẻ.
Kể cả trong trường hợp giá bán lẻ không phải do nhà nước điều hành, cũng như các hàng hóa khác trên thị trường, hiện tượng giá bán buôn cao hơn giá bán lẻ vẫn có thể xảy ra do khi mua vào giá cao nhưng sau đó cầu giảm hoặc cung tăng, để cạnh tranh hoặc giảm chi phí lưu kho, các doanh nghiệp vẫn buộc phải bán lẻ với giá thấp hơn giá bán buôn.
Hồng Đức