Vietstock - Chi phí và dự phòng tăng vọt, Eximbank bất ngờ báo lỗ 247 tỷ đồng quý 4/2018
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2018, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) bất ngờ báo lỗ ròng gần 247 tỷ đồng do chi phí hoạt động dội lên gần gấp đôi tới 1,047 tỷ đồng.
Tính riêng trong quý 4/2018, mặc dù thu nhập lãi thuần tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 900 tỷ đồng, song hầu hết các hoạt động kinh doanh dường như đều ảm đạm. Trong đó, mua bán chứng khoán đầu tư lỗ gần 82 tỷ đồng, hoạt động khác giảm lãi thuần 64%, dịch vụ cũng giảm 1%.
Ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng của Eximbank tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước, lên mức 120 tỷ đồng.
Đặc biệt, chi phí hoạt động tăng cao 75% khi chiếm tới 1,047 tỷ đồng; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cũng tăng gấp 3 lần so với quý 4/2017, lên con số 401 tỷ đồng. Do đó, sau cùng Eximbank lỗ ròng gần 247 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 448 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2018, thu nhập lãi thuần của Eximbank tăng 20% so với năm trước, đạt gần 3,207 tỷ đồng. Hầu hết hoạt động kinh doanh đều không có điểm nổi bật. Riêng hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi hơn 269 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước.
Chi phí hoạt động tăng 31% so với năm 2017, chiếm gần 2,901 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tăng đến 20% so với năm trước, chiếm gần 724 tỷ đồng. Sau cùng, Eximbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 19% và 20% so với năm 2017, đạt hơn 827 tỷ đồng và gần 661 tỷ đồng. Như vậy, Eximbank chỉ mới thực hiện được 52% kế hoạch về lợi nhuận hợp nhất trước thuế.
Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 4/2018 của Eximbank. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2018 của Eximbank
|
Kết quả kinh doanh ảm đạm là vậy, song Eximbank cho rằng chênh lệch thu chi đến quý 4/2018 khả quan hơn so với dự kiến (chênh lệch thu chi lũy kế đến 31/12/2018 trước khi trích lập bổ sung các khoản dự phòng là 1,705 tỷ đồng so với kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1,600 tỷ đồng). Eximbank đã tăng cường trích lập dự phòng để đẩy nhanh thu hồi và xử lý nợ xấu, tức dùng phần lớn chênh lệch thu chi trước thuế để trích lập thêm dự phòng 904 tỷ đồng. Trong đó, trích bổ sung dự phòng khoản phải thu khó đòi liên quan đến 2 vụ việc tiền gửi là 390 tỷ đồng.
Ngoài ra, số lượng nhân sự bình quân tăng (từ 6,041 người lên 6,059 người) và thu nhập bình quân đầu người cũng cải thiện (từ 15.4 triệu đồng/người/tháng lên 16.4 triệu đồng/người/tháng). Do đó khoản mục này tăng gần 75% so cùng kỳ.
Ngoài ra, Eximbank cũng trích dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC số tiền 514 tỷ đồng nhằm rút ngắn thời gian xử lý, tất toán các khoản nợ đã bán cho VAMC.
Trong năm, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Eximbank giảm từ hơn 8,074 tỷ đồng xuống chỉ còn gần 626 tỷ đồng (tương đương giảm 7,448 tỷ đồng) do Ngân hàng tăng các khoản tiền, vàng gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác, đồng thời tiền gửi của khách hàng giảm mạnh. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư tăng lên hơn 1,628 tỷ đồng nhờ tiền thu đầu tư, góp vốn vào đơn vị khác. Tổng kết lại, lưu chuyển tiền thuần trong năm giảm 3.8 lần so với đầu năm, ở mức 2,254 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/12/2018, Eximbank ghi nhận tổng tài sản đạt 152,709 tỷ đồng, chỉ tăng 2% so với đầu năm. Nợ phải trả chiếm hơn 137,825 tỷ đồng, trong đó tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác tăng 415 so với đầu năm, chiếm 15,901 tỷ đồng.
Do toàn bộ nhóm nợ đều giảm, trong đó nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm mạnh 64% so với năm trước nên tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm xuống còn 1.84% so với 2.27% hồi đầu năm.
Chất lượng nợ vay năm 2018 của Eximbank. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Ái Minh