Vietstock - Ai hưởng lợi khi phương Tây cấm vận vàng Nga?
Ngay cả trước tuyên bố của G7, vàng Nga đã bị phương Tây cấm vận ngầm. Tuy nhiên, Ấn Độ - nước nhập khẩu vàng lớn thứ 2 thế giới - có thể mua vàng Nga với giá rẻ, tương tự dầu thô.
Theo CNN, các quốc gia giàu nhất thế giới chuẩn bị cấm nhập khẩu vàng của Nga nhằm gây thêm sức ép cho nền kinh tế. Hôm 26/6, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo Mỹ sẽ cấm vận vàng từ Nga - mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 về giá trị của Moscow, chỉ sau năng lượng.
Theo số liệu của Chính phủ Anh, xuất khẩu vàng đóng góp 15,5 tỷ USD cho nền kinh tế Nga vào năm 2021.
Ông Biden và các nhà lãnh đạo G7 hiện có cuộc gặp tại Đức nhằm thảo luận về những cách thức trừng phạt mới nhắm vào Moscow, đồng thời hạn chế ảnh hưởng đối với nền kinh tế toàn cầu.
G7 hiện nhắm vào vàng - mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 2 về giá trị của Nga, chỉ sau năng lượng. Ảnh: Reuters. |
Nga mất nguồn thu tỷ USD
"Cùng nhau, G7 sẽ thông báo cấm nhập khẩu vàng của Nga - mặt hàng xuất khẩu chính mang lại hàng chục tỷ USD cho Moscow", ông Biden tuyên bố trong một bài đăng trên Twitter hôm 26/6.
Hôm 26/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết lệnh cấm sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông khẳng định những biện pháp mà G7 công bố đánh thẳng vào giới tài phiệt và gây tổn thất cho cỗ máy quân sự của Nga.
"Lệnh cấm vận sẽ có quy mô toàn cầu, chính thức loại bỏ vàng Nga khỏi thị trường quốc tế", ông Johnson tuyên bố.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), Nga là quốc gia khai thác vàng lớn thứ 2 chỉ sau Trung Quốc, với sản lượng chiếm 9,5% toàn cầu. Năm 2020, Nga xuất khẩu lượng vàng trị giá 19 tỷ USD, trong đó, 90% giá trị vàng được bán cho Anh.
Trong khi đó, Mỹ nhập khẩu từ Nga số vàng trị giá 200 triệu USD vào năm 2019. Năm 2021, giá trị vàng xuất khẩu của Nga giảm nhẹ, nhưng G7 tiếp tục chiếm 90% giá trị xuất khẩu vàng của Nga. Lệnh cấm có thể khiến Nga mất nguồn thu hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Trên thực tế, sau khi Nga đổ quân vào Ukraine hôm 24/2, trên thị trường toàn cầu, một số bên đã né tránh nhập khẩu vàng từ Nga. Ngày 7/3, Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA) - cơ quan quản lý thị trường vàng bạc lớn và lâu đời nhất thế giới - dừng giao dịch của tất cả công ty khai thác và tinh chế vàng của Nga.
Kể từ thời điểm chiến sự Ukraine nổ ra, các lô hàng giữa Nga và London đã giảm xuống gần bằng 0.
G7 dự kiến chính thức công bố lệnh cấm vàng Nga hôm 28/6. Theo tuyên bố của Anh, Canada và Nhật Bản cũng sẵn sàng tham gia. Trong khi đó, một số quốc gia châu Âu muốn thảo luận về những tác động tiềm tàng.
Cơ hội cho Ấn Độ?
Giá vàng tăng 0,5% lên 1.836,03 USD/ounce trong phiên giao dịch hôm 27/6. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng lệnh cấm sẽ không có tác động đáng kể tới triển vọng dài hạn của giá vàng.
"Vàng ghi nhận mức tăng rất khiêm tốn sau thông báo, nhưng điều đó sẽ không tạo ra những thay đổi về mặt cấu trúc đối với triển vọng của giá vàng", ông Jeffrey Halley - chiến lược gia thị trường cấp cao của Oanda - nhận định.
"Trên thực tế, đó chỉ là việc chính thức hóa một lệnh cấm ngầm vốn đã được áp dụng từ lâu", ông nói thêm.
Đây sẽ là cơ hội để xem liệu vàng có thể được mua bán bằng đồng RUB như dầu thô không. Nếu điều này xảy ra, Ấn Độ sẽ có khả năng mua vàng Nga với giá rẻ Ông Megh Mody - chuyên gia nghiên cứu hàng hóa và tiền tệ tại công ty môi giới Prabhudas Lilladher |
Nhưng giới quan sát lo ngại về Ấn Độ - một trong những thị trường vàng lớn nhất thế giới. "Chúng tôi tin rằng tác động đối với thị trường quốc tế sẽ không quá lớn, bởi dòng chảy vốn đã bị hạn chế bởi các lệnh cấm trước đó", ông Sriram Iyer - chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Reliance Securities - bình luận. Ông chỉ ra động thái hồi tháng 3 của LBMA.
Tuy nhiên, Ấn Độ là nước mua vàng lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. "Lệnh cấm có thể tạo ra sự thiếu hụt nguồn cung", ông Iyer nhận định. Điều này sẽ ảnh hưởng tới giá.
Nhưng theo giới quan sát, điều kiện kinh tế cũng sẽ có tác động mạnh mẽ tới cách chi tiêu của người tiêu dùng Ấn Độ. "Các điều kiện kinh tế vĩ mô như lãi suất tăng cao và rủi ro suy thoái toàn cầu có thể tạo ảnh hưởng lớn hơn với tâm lý thị trường", ông Iyer nói thêm.
Ông Megh Mody - chuyên gia nghiên cứu hàng hóa và tiền tệ tại công ty môi giới Prabhudas Lilladher (có trụ sở tại Mumbai) - cho rằng đây thậm chí là cơ hội để Ấn Độ mua vàng Nga với giá rẻ hơn.
"Đây sẽ là cơ hội để xem liệu vàng có thể được mua bán bằng đồng RUB như dầu thô không", ông bình luận. "Nếu điều này xảy ra, Ấn Độ có khả năng mua vàng Nga với giá rẻ", ông Iyer nói thêm.
Quốc gia Nam Á này đã mua dầu thô từ Nga với mức giá rẻ kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.
Thảo Phương