Thị trường chứng khoán khu vực Châu Á tiếp tục giảm điểm sang phiên đầu tuần, trong khi đó chứng khoán Châu Âu mở cửa và các hợp đồng tương lai trên thị trường Mỹ đã bật tăng trở lại. Thị trường trong nước giảm sang phiên thứ 5 liên tiếp, về sát thời điểm đầu năm, nhịp điều chỉnh này đang lấy đi của thị trường gần 74 điểm, tương đương giảm 6,76% còn 1.021,25 điểm. Đà giảm diễn ra trong bối cảnh khối ngoại quay đầu bán ròng ở 2 tuần trở lại đây sau nhịp bắt đáy thành công hồi tháng 10.
Dừng lúc đóng cửa, chỉ số VN-Index giảm 18,31 điểm (-1,76%) còn 1.021,25 điểm, bên cạnh đó chỉ số VN30 cũng sụt 18,96 điểm (-1,84%) xuống 1.011,46 điểm. Độ rộng thị trường nghiêng về bên bán, toàn thị trường có 66 mã tăng/371 mã giảm, ở rổ Vn30 chỉ có 2 mã tăng trong khi có tới 27 mã giảm. Nhóm midcap và smallcap cũng giảm lần lượt 2,89% và 2,11%.
Các cổ phiếu lớn gây áp lực lên thị trường phiên này là: MSN (HM:MSN) (- 6,98%), GAS (HM:GAS) (-2,35%), HPG (HM:HPG) (-3,37%), VCB (HM:VCB) (-0,75%), CTG (HM:CTG) (- 2,48%),… đã lấn át nỗ lực tăng giá ở các cổ phiếu lớn khác như: VJC (HM:VJC) (+2,39%), VNM (HM:VNM) (+0,67%), PGV (HM:PGV) (+1,08%), PDN (+6,98%), PVD (HM:PVD) (+0,96%),…Thanh khoản trên toàn thị trường đạt 10.690 tỷ đồng, tăng 17,2% so với mức bình quân của tuần trước.
Khối ngoại bán ròng 664 tỷ đồng trên toàn thị trường. Lực bán tập trung tại các cổ phiếu/chứng chỉ quỹ như: FUEVFVND, VHM (HM:VHM), SSI (HM:SSI), STB (HM:STB), DXG (HM:DXG),… Ở chiều ngược lại: VNM, POW (HM:POW), PVD, BMP (HM:BMP), PHR (HM:PHR),… là những cổ phiếu được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trong phiên này.
Thị trường giảm liền 5 phiên và để mất 6,76% giá trị, trong khi đó nhóm cổ phiếu Vn30 và Midcap giảm nhiều hơn khi lần lượt sụt 8% và 9,2%, riêng nhóm cổ phiếu smallcap sụt 5,89% nhờ dòng tiền vẫn hoạt động mạnh ở nhóm cổ phiếu đầu cơ. Thị trường chung điều chỉnh bình thường trong ngắn hạn tuy vậy nhiều nhóm cổ phiếu có mức giảm mạnh hơn, tập trung ở nhóm Midcap và Vn30. Có nghĩa là nhiều cổ phiếu đã và đang giảm về vùng hỗ trợ, trong khi chỉ số Vn-Index chưa về ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm như kỳ vọng của nhà đầu tư hiện nay. Hiện thị trường trong nước không có thông tin hỗ trợ, chứng khoán thế giới có thể hồi phục trước kỳ họp 22/3 của Fed, do vậy thị trường có thể chững đà giảm khi các cổ phiếu đã về ngưỡng hỗ trợ mạnh. Về kỹ thuật, phản ứng ở mốc 1.000 điểm có thể là điểm tựa cho thị trường trong các phiên sắp tới, nhiều khả năng thị trường sẽ có nhịp hồi khi retest ngưỡng hỗ trợ này. Nhà đầu tư có thể chú ý các nhóm cổ phiếu như: đầu tư công, dầu khí, sản xuất điện, … để cơ cấu hoặc bắt đáy cho danh mục.