Triển vọng ngành Dầu khí: Không quá tiêu cực

Ngày đăng 14:11 30/12/2020
PVS
-
GAS
-
NT2
-
PVD
-
PVT
-
PLX
-
POW
-

Tổng quan ngành dầu khí

Hiện trạng

Ngành Dầu khí trong những năm gần đây là một trong số ít các ngành chịu tác động tiêu cực bởi nhiều yếu tố:

(1) Giá dầu giảm và duy trì mức dưới 60 USD (mức kỳ vọng của các doanh nghiệp đầu ngành);

(2) Nhiều dự án đầu tư của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vướng sai phạm và bị thanh tra;

(3) Tranh chấp biển Đông khiến nhiều dự án thượng nguồn (khâu thăm dò, khai thác) bị trì hoãn thậm chí dừng triển khai.

Chịu tác động nặng nề từ dịch Covid-19, dầu khí là một trong những ngành có mức giảm lợi nhuận sâu nhất trong 9T2020 với mức giảm 82% so với cùng kỳ do các nguyên nhân sau:

(1) Giá dầu giảm làm doanh nghiệp hạch toán giảm giá hàng tồn kho;

(2) Nhu cầu tiêu thụ giảm;

(3) Biện pháp “cách ly xã hội” khiến các dự án chậm triển khai.

Cơ hội

Các nước thành viên OPEC hiện đang tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng, giá dầu được dự báo sẽ tăng trở lại trong năm 2021, mức bình quân quanh 50 – 55 USD/ thùng (dầu Brent).

Do vấn đề về môi trường nên các dự án điện khí sẽ được ưu tiên phát triển làm tăng nhu cầu tiêu thụ khí.

PVN công bố phát hiện mỏ Kèn Bầu với trữ lượng kỷ lục, ước tính 230 tỷ mét khối khí (bcm), 400 – 500 triệu thùng Condensate, vị trí mỏ nằm cách bờ 65km thuộc tỉnh Quảng Trị.

Ngoài việc tìm kiếm, thăm dò và khai thác các mỏ dầu khí mới, Việt Nam cũng cần xây dựng hệ thống các kho chứa LNG phục vụ cho việc nhập khẩu, bổ sung cho nguồn khí trong nước.

Triển vọng tương lai

Giá dầu giữ ổn định và hồi phục từ 2021 như dự báo sẽ giúp các doanh nghiệp ngành dầu khí cải thiện đáng kể bức tranh triển vọng kinh doanh.

Hoạt động xây lắp của ngành hiện đang có khối lượng công việc lớn. Ngoài các dự án đang thực hiện như Sao Vàng – Đại Nguyệt, LNG Thị Vải, nhiều dự án lớn được kỳ vọng sẽ sớm triển khai như:

(1) Dự án Cá Voi Xanh ước tính khoảng 4,6 tỷ USD;

(2) Hàng loạt dự án điện khí, kho LNG được lên kế hoạch hợp tác đầu tư với nước ngoài (Exxon Mobile) tổng trị giá 20 tỷ USD;

(3) Dự án tổ hợp điện – khí Lô B Ô môn trị giá 1,2 tỷ USD.

Việc phát hiện dự án Kèn Bầu sẽ tạo lượng công việc dài hạn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoan thăm dò như PVD (HM:PVD).

Thượng nguồn:

Các hoạt động tìm kiếm, thăm dò và khai thác. Mục đích cuối cùng của hoạt động thượng nguồn là tìm kiếm phát hiện và đưa dầu, khí vào khai thác.

Các công ty niêm yết trong lĩnh vực: PVD, PVS

Trung nguồn

Khâu trung nguồn bao gồm toàn bộ các hoạt động vận chuyển, dự trữ và phân phối.

Các công ty niêm yết trong lĩnh vực: GAS, PVT (HM:PVT), PVS

Hạ nguồn

Hoạt động lọc, hóa dầu, tiêu thụ khí

Các công ty niêm yết trong lĩnh vực: PLX, BSR, các doanh nghiệp nhiệt điện khí (NT2 (HM:NT2), POW (HM:POW)).

Cập nhật tiến độ các dự án thượng nguồn trọng điểm

Dự án Cá voi xanh: Tiến độ đang được đẩy nhanh

  • Năm 2020: Tiến độ dự án được đẩy nhanh với các hoạt động được triển khai như sau:

(1) Thực hiện đàm phán Thỏa thuận cam kết và bảo lãnh của Chính phủ (GGU) + gia hạn PSC;
(2) Mục tiêu hoàn thành đàm phán các hợp đồng bán khí (GSA) vào quý 4/2020;
(3) Tích cực triển khai các dự án hạ nguồn (Nhà máy điện) cho dự án như Nhiệt điện miền Trung 1 và 2 có công suất 1.500MW, Nhiệt điện Dung Quất 1 & 3 có công suất 1.500MW.

  • Dự kiến sẽ đón dòng khí đầu tiên của dự án vào năm 2024.

Vấn đề tồn đọng

  • Tiến độ triển khai dự án đang chậm so với kế hoạch đề ra.
  • Chính phủ Việt Nam vẫn chưa thông qua GGU cho dự án.
  • Vướng măc trong việc đàm phán giá mua khí & giá bán điện giữa PVN và EVN.

Lô B Ô Môn: phấn đấu “dòng khí đầu tiên” vào cuối năm 2023

  • Năm 2020: Đang chờ phê duyệt quyết định đầu tư FID từ Thủ Tướng
  • Dự kiến đón “dòng khí đầu tiên” vào cuối năm 2023.

Vấn đề tồn đọng

  • Trong khi tiến độ triển khai tại khâu thượng nguồn (thiết kế, xây dựng, lắp đặt giàn thu gom) và trung nguồn (thiết kế, mua sắm và thi công cả đường ống trên bờ và dưới biển, thuê kho nổi) được triển khai đúng tiến độ thì khâu hạ nguồn của dự án đang gặp một số vấn đề khó khăn như sau:
  • Giá miệng giếng ở mức cao cao hơn nhiều so với giá đầu vào của các nhà máy điện hiện hữu và giá LNG, giá chuyển đổi sang giá bán điện tương ứng trên 10 UScent/kWh, do đó, gây khó khăn trong việc đàm phán hợp đồng bán điện (PPA).
  • Nhà máy điện Ô Môn 2 chậm tiến độ (dự kiến hoàn thành năm 2026).
  • Nhà máy điện Ô Môn 3 (liên quan vốn vay ODA), Hội đồng thẩm định liên ngành chưa trình báo cáo thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS), chưa có cơ sở để Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, dự kiến sẽ chậm 4 – 5 năm so với kế hoạch.

Dự án Kèn Bầu: Phát hiện lịch sử của ngành dầu khí

  • Dự án đang trong giai đoạn tìm kiếm và thăm dò, nhà điều hành đã thực hiện giếng khoan thăm dò thứ nhất, từ ngày 29/2/2020 đến 29/7/2020 thực hiện khoan thăm dò lần 2 (khoan 150 ngày). Kết quả thử vỉa cả hai giếng khoan này, cho thấy tiềm năng trữ lượng khí rất lớn, ước tính từ 7 đến 9 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên (Tcf), tương đương 200 đến 255 tỷ mét khối khí tại chỗ và khoảng từ 400 đến 500 triệu thùng khí ngưng tụ.
  • Nếu các bước đánh giá phân cấp trữ lượng tiếp theo bảo lưu kết quả này, hoặc gần với kết quả này, thì đây là phát hiện lịch sử và là mỏ khí lớn nhất tính đến hiện tại của ngành dầu khí Việt Nam.

Kế hoạch triển khai

  • Lĩnh vực thượng nguồn, theo hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) lô 114, cơ cấu cổ phần hiện tại là ENI 50% và ESSAR 50%. Sau khi công bố thương mại, PetroVietnam sẽ tham gia vào PSC với tỷ lệ cổ phần là 20%.
  • Lĩnh vực trung nguồn và hạ nguồn, sẽ có sự tham gia của các công ty thành viên PVN như Tổng công ty khí (PVGas) và đối tác mua điện là Tập đoàn điện lực (EVN).
  • Nếu tương tự mỏ Cá Voi Xanh, các hoạt động từ thượng, trung và hạ nguồn sẽ được tính trong vòng đời 20 năm hoặc 25 năm vận hành và khai thác thương mại, khởi đầu năm 2028.

LNG là giải pháp cấp bách cho nguy cơ thiếu hụt khí

Trước nguy cơ thiếu hụt của khí ngày càng tăng do nhu cầu tiêu thụ của các dự án nhiệt điện khí, nhập khẩu LNG đang được xem là giải pháp cấp bách để bổ sung nguồn cung.

Trong kế hoạch bổ sung nguồn khí cho các nhà máy nhiệt điện, ngoài việc tập trung nguồn lực cho phát triển các mỏ thuộc các dự án trọng điểm nhà nước về dầu khí (Lô B, Cá Voi Xanh), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã, đang đầu tư phát triển các dự án kho chứa LNG.

Hiện tại Tổng công ty Khí Việt Nam (PV HM:GAS) - đơn vị thành viên của PVN đang triển khai 2 dự án LNG gồm:

  • Dự án kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ có quy mô công suất (giai đoạn 1) xây dựng kho cảng khoảng 3,6 MTPA (3,6 triệu tấn), giai đoạn 2 sẽ tăng công suất kho lên đến 6 MPTA. Tổng mức đầu tư khoảng 1,35 tỷ USD, trong đó, giai đoạn 1 khoảng 1,31 tỷ USD, giai đoạn 2 khoảng 0,04 tỷ USD. Tính đến thời điểm hiện tại, PV GAS đã hoàn thành FS (Báo cáo nghiên cứu khả thi) của dự án.
  • Dự án kho chứa LNG Thị Vải có quy mô công suất 1 triệu tấn/năm và tiến độ xây dựng trong giai đoạn 2020 – 2022, giai đoạn 2 sẽ tăng công suất kho lên đến 3 MPTA. Tổng mức đầu tư khoảng 285,8 triệu USD, dự toán xây dựng công trình khoảng 247,6 triệu USD. Theo kế hoạch, dự án này dự kiến đưa vào vận hành từ quý 2/2022 cung cấp LNG cho dự án điện Nhơn Trạch 3 và 4, cũng như các nhà máy điện trong khu vực Nhơn Trạch, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết giảm hơn 80% trong 9 tháng đầu năm 2020

Ngành dầu khí là một trong số những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19. Dưới tác động kép của:

(1) Sản lượng tiêu thụ giảm do “Giãn cách xã hội”

(2) Giá dầu giảm kéo theo việc trích lập giảm giá tồn kho, doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành đã giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2020.

Tổng doanh thu các doanh nghiệp niêm yết đã giảm 30,19% so với cùng kỳ (CK) kéo theo LNST giảm dến 81,74% CK, trong đó BSR là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi lỗ 4.063 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, giảm 417% so với CK.

Hai điểm sáng hiếm hoi trong KQKD 9T2020 là: PVB (Doanh thu +2.083% CK và LNST +305% CK), PVD (Doanh thu +47,85% CK và LNST +155% CK).

Tuy kết quả 9T2020 nhìn chung tiêu cực nhưng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thượng nguồn ngành dầu khí bắt đầu ghi nhận sự hồi phục từ Q2/2020, cụ thể các doanh nghiệp làm dịch vụ trong lĩnh vực thượng nguồn như: PVB, PVD, PVS.Nguồn: Fiinpro

Doanh nghiệp lĩnh vực thượng nguồn ít chịu ảnh hưởng bởi dịch

Các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thượng và trung nguồn có kết quả kinh doanh khả quan nhất ngành, cụ thể GAS, PVS là những công ty có mức suy giảm LNST thấp nhất, trong khi PVB, PVD thậm chí còn ghi nhận mức tăng trưởng mạnh về LNST so với CK.

Sự cần thiết của các dự án thượng nguồn trước nguy cơ thiếu khí cho ngành điện đang giúp các dự án này được Chính phủ xem xét đẩy nhanh tiến độ. Điều này tạo ra khối lượng công việc ổn định cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ (xây lắp, khoan thăm dò, bọc ống…), giúp các doanh nghiệp hoạt động trong mảng này ổn định trong tình hình dịch. Nguồn: Fiinpro

Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (HSX: GAS)

Chúng tôi duy trì giá mục tiêu 12 tháng ở mức 95.000 đ/cp (lợi nhuận kỳ vọng +13%) và khuyến nghị Tăng tỷ trọng đối với CP GAS.

Kết quả kinh doanh 9T/2020 vượt kỳ vọng doanh nghiệp. Cụ thể, tổng doanh thu ước đạt gần 48.625 tỷ đồng (-16,6% cùng kỳ - CK), bằng 107% kế hoạch 9 tháng. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.129 tỷ đồng (-34,3% CK), bằng 127% kế hoạch 9 tháng và thực hiện khoảng 90% kế hoạch cả năm. Kết quả tích cực này cho thấy GAS đang có “sức đề kháng” tốt hơn với những rủi ro mang tính hệ thống.

Năm 2020, chúng tôi dự báo GAS sẽ đạt 69.300 tỷ đồng doanh thu (-7,6% CK), vượt 10% kế hoạch, trong khi LNS cho cổ đông công ty mẹ đạt 8.521 tỷ đồng (-28,4% CK), vượt 28,4% kế hoạch năm. EPS tương ứng đạt 4.452 đ/cp.

Tháng 11/2020 GAS nhận dòng khi đầu tiên từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt, với sản lượng mỗi năm khoảng 1,5 tỉ m3 khí trong những năm đầu khai thác. Nguồn khí Sao Vàng - Đại Nguyệt sẽ đảm bảo nguồn cung khí cho sản xuất điện của các hộ tiêu thụ tại khu vực Đông Nam Bộ ổn định hơn (khu vực Đông Nam Bộ chiếm khoảng 22% sản lượng điện tiêu thụ cả nước).

Giai đoạn 2021 – 2025, GAS tập trung đầu tư phát triển hệ thống kho LNG, thực hiện mục tiêu trở thành nhà phân phối LNG hàng đầu Việt Nam. Danh mục các dự án lớn của công ty như: LNG Thị Vải giai đoạn 1 (giá trị 285 triệu USD, công suất 1 triệu tấn LNG/năm, thời gian đầu tư 2020 - 2022) và giai đoạn 2 (công suất 3 triệu tấn LNG/năm), Kho LNG Sơn Mỹ (giá trị ước tính 1,4 tỷ USD, công suất cả 2 giai đoạn 6 triệu tấn LNG/năm, thời gian đầu tư 2021 - 2024).

Quy mô đầu tư các dự án kho LNG rất lớn đòi hỏi nhà đầu tư phải có tiềm lực tài chính mạnh, đây là yếu tố tạo nên rào cản gia nhập lĩnh vực này. Trong khi đó, GAS hiện là doanh nghiệp có dòng tiền từ hoạt động kinh doanh tốt (12.000 – 14.000 tỷ đồng/năm trong 2017 – 2019). Tính đến 30/9/2020, công ty có số dư tiền và tiền gửi lên đến hơn 25.000 tỷ đồng. Đây sẽ là nguồn sức mạnh tài chính, hỗ trợ lớn cho việc thực hiện các dự án đầu tư trong chiến lược phát triển của công ty.

Nguồn: Dữliệucông ty, Bloomberg, Mirae Asset Vietnam Research

Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (HSX: HM:PLX)

Trở lại trạng thái bình thường

Chúng tôi sử dụng P/E và P/B lịch sử để định giá PLX, theo đó mức giá hợp lý của PLX trong 12 tháng là 60.200 đồng/cổ phiếu (cp), cao hơn 13,3% so với giá đóng cửa ngày 25/12/2020. Chúng tôi khuyến nghị Tăng tỷ trọng với CP PLX.

Lợi nhuận Q3/2020 hồi phục mạnh nhờ hoạt động bán lẻ

Trong Q3/2020, PLX ghi nhận 27.481 tỷ đồng doanh thu, giảm 43,5% so với cùng kỳ (CK), tuy nhiên do biên lãi gộp tăng mạnh lên 11,4% so với mức 6,9% CK nên lãi gộp đạt 3.136 tỷ đồng (-7,1% CK). Doanh thu giảm mạnh chịu ảnh hưởng chính bởi giá bán lẻ xăng dầu giảm bình quân 27% so với Q3/2019, trong khi biên lãi gộp cải thiện trong Q3/2020 nhờ tỷ trọng lợi nhuận định mức trong giá bán cao hơn so với cùng kỳ.

Kết thúc Q3/2020, PLX ghi nhận 1.113 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (LNTT -5,2% CK), phần lợi nhuận sau thuế (LNST) của cổ đông công ty mẹ đạt 853 tỷ đồng (-4,7% CK). Trong đó, kênh bán lẻ xăng dầu đã hồi phục về sát mức trước dịch khi chỉ còn giảm 2% so với Q3/2019.

Kế hoạch cấu trúc lại phần vốn Nhà nước có thể sớm được công bố

Ngày 29/06/2020 Chính phủ đã ban hành Quyết định số 908/QĐ-TTg, theo đó PLX thuộc nhóm doanh nghiệp xây dựng phương án cụ thể về sắp xếp, thoái vốn Nhà nước đến hết năm 2020.
Trong tình hình chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, kế hoạch thoái vốn có thể sẽ được diễn ra nhanh hơn. Hiện nay, PLX đã lên kế hoạch bán toàn bộ 103 triệu cổ phiếu quỹ trong năm 2020 và 2021 để bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Biến động giá xăng dầu

Giá xăng dầu thế giới biến động lớn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng bất lợi. Trường hợp giá tăng mạnh, giá bán lẻ không tăng kịp sẽ làm giảm biên lợi nhuận của công ty, trường hợp giá giảm sẽ kéo theo việc công ty phải trích lập dự phòng giảm giá tồn kho. Tuy nhiên trong 2 khả năng này thì rủi ro giá giảm mạnh sẽ ảnh hưởng lớn hơn đến PLX.

Kế hoạch đầu tư phân phối LNG khả năng sẽ chậm lại do ảnh hưởng dịch

PLX là doanh nghiệp được chọn để đầu tư dự án phân phối LNG. Tuy nhiên, dịch bệnh đã ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của PLX, do đó khả năng công ty sẽ tập trung nguồn lực để hồi phục hoạt động kinh doanh chính và chậm triển khai các dự án liên quan đến việc phân phối LNG.

Nguồn: Dữliệucông ty, Bloomberg, Mirae Asset Vietnam Research

Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (HNX: HN:PVS)

Mảng xây lắp dầu khí đang trên đà hồi phục

Mảng cơ khí dầu khí ghi nhận sự hồi phục về doanh thu và biên lợi nhuận gộp (LNG) qua các quý trong năm 2020 sau khi giảm sâu trong Q4/2019. Q3/2020, mảng cơ khí dầu khí đạt 3.825 tỷ đồng doanh thu (tương đương Q3/2019) và biên LNG 7,3% (Q3/2019 ~ 2,3%); lũy kế 9T2020, doanh thu đạt 7.997 tỷ đồng (+3% cùng kỳ) và biên LNG đạt 5%.

Theo PVS, trong 9 tháng đầu năm 2020, công ty tập trung vào các hạng mục công việc của Dự án Thiết kế chi tiết, Mua sắm, Chế tạo, Vận chuyển, Lắp đặt và Chạy thử giàn Sao Vàng CPP (tiến độ của Dự án đạt 99,28%) và Đại Nguyệt WHP (tiến độ của Dự án đạt 46,48%), dự án GALLAF – Al Shaheen (tiến độ tổng thể của Dự án đạt 74,42%), dự án LNG Thị Vải (tiến độ tổng thể đạt 24%)… Chúng tôi cho rằng các dự án này sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh thu trong Q4/2020 và 2021 (LNG Thị Vải). Bên cạnh đó, giai đoạn 2021 – 2022, PVS có khả năng tham gia các dự án lớn như Cá Voi Xanh, Nhà máy điện khí Nhơn Trạch 3&4 với giá trị backlog ước tính hơn 3 tỷ USD.

Q4/2020, chúng tôi ước tính PVS sẽ ghi nhận khoảng 204 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế (LNST), đưa tổng LNST 2020 lên 778 tỷ đồng (vượt 21% kế hoạch, tương đương 92% thực hiện 2019).

Mảng cho thuê kho nổi có thêm đóng góp từ FSO Sao Vàng – Đại Nguyệt từ 2021

Hoạt động kinh doanh kho nổi trong 2020 ghi nhận một số thông tin tích cực:

(1) Kho nổi FPSO Lam Sơn đã chính thức ký hợp đồng dài hạn đến tháng 6/2021, theo đó giá trị hợp đồng ước tính 122.87 triệu USD (ký vào 16/03/2020), tương đương mức giá thuê trên 80.000 USD/ngày, cao hơn mức tạm tính trước đó (khoảng 50.000 USD/ngày);

(2) Từ năm 2021, công ty có kế hoạch đưa vào khai thác kho nổi FSO Golden Star với hợp đồng thuê từ mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt, sức chứa dự kiến 650.000 thùng dầu.

Công ty duy trì lượng tiền mặt lớn, giúp ổn định tình hình tài chính trong giai đoạn khó khăn

Tính đến cuối Q3/2020, lượng tiền ròng (sau khi trừ giá trị các khoản nợ vay) của PVS đạt 7.954 tỷ đồng (+42% so với thời điểm đầu năm), tương đương với giá trị 16.643 đồng/cp. Chúng tôi cho rằng yếu tố này hỗ trợ PVS chia cổ tức 1.000 đồng/cp cho kết quả kinh doanh 2019, cao hơn so với kỳ vọng trước đây (700 đồng/cp).Nguồn: Dữliệucông ty, Bloomberg, Mirae Asset Vietnam Research

Bình luận mới nhất

Đang tải bài viết tiếp theo…
Cài Đặt Ứng Dụng của Chúng Tôi
Công Bố Rủi Ro: Giao dịch các công cụ tài chính và/hoặc tiền điện tử tiềm ẩn mức độ rủi ro cao, bao gồm rủi ro mất một phần hoặc toàn bộ vốn đầu tư, và có thể không phù hợp với mọi nhà đầu tư. Giá cả tiền điện tử có độ biến động mạnh và có thể chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài như các sự kiện tài chính, pháp lý hoặc chính trị. Việc giao dịch theo mức ký quỹ gia tăng rủi ro tài chính.
Trước khi quyết định giao dịch công cụ tài chính hoặc tiền điện tử, bạn cần nắm toàn bộ thông tin về rủi ro và chi phí đi kèm với việc giao dịch trên các thị trường tài chính, thận trọng cân nhắc đối tượng đầu tư, mức độ kinh nghiệm, khẩu vị rủi ro và xin tư vấn chuyên môn nếu cần.
Fusion Media xin nhắc bạn rằng dữ liệu có trên trang web này không nhất thiết là theo thời gian thực hay chính xác. Dữ liệu và giá cả trên trang web không nhất thiết là thông tin do bất kỳ thị trường hay sở giao dịch nào cung cấp, nhưng có thể được cung cấp bởi các nhà tạo lập thị trường, vì vậy, giá cả có thể không chính xác và có khả năng khác với mức giá thực tế tại bất kỳ thị trường nào, điều này có nghĩa các mức giá chỉ là minh họa và không phù hợp cho mục đích giao dịch. Fusion Media và bất kỳ nhà cung cấp dữ liệu nào có trên trang web này đều không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ nào trước bất kỳ tổn thất hay thiệt hại nào xảy ra từ kết quả giao dịch của bạn, hoặc trước việc bạn dựa vào thông tin có trong trang web này.
Bạn không được phép sử dụng, lưu trữ, sao chép, hiển thị, sửa đổi, truyền hay phân phối dữ liệu có trên trang web này và chưa nhận được sự cho phép rõ ràng bằng văn bản của Fusion Media và/hoặc nhà cung cấp. Tất cả các quyền sở hữu trí tuệ đều được bảo hộ bởi các nhà cung cấp và/hoặc sở giao dịch cung cấp dữ liệu có trên trang web này.
Fusion Media có thể nhận thù lao từ các đơn vị quảng cáo xuất hiện trên trang web, dựa trên tương tác của bạn với các quảng cáo hoặc đơn vị quảng cáo đó.
Phiên bản tiếng Anh của thỏa thuận này là phiên bản chính, sẽ luôn được ưu tiên để đối chiếu khi có sự khác biệt giữa phiên bản tiếng Anh và phiên bản tiếng Việt.
© 2007-2025 - Công ty TNHH Fusion Media. Mọi quyền được bảo hộ.