Ngược với động thái tăng lãi suất tham chiếu hôm 22/3 của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2007, Ngân hàng Nhà nước mới đây giảm một loạt lãi suất điều hành. Việt Nam cũng là một trong số ít quốc gia ở châu Á giảm lãi suất, tính từ đầu năm tới nay. Ngay sau lần điều chỉnh lãi suất điều hành vào 14/3, lãi suất vay mượn giữa các nhà băng ở kỳ hạn ngắn đã giảm nhanh. Các ngân hàng thanh khoản hạn chế có thể đi vay từ những nhà băng lớn thừa vốn với chi phí rẻ hơn trước.
Bối cảnh vĩ mô bước sang quý II/2023, dự kiến áp lực lạm phát và tỷ giá sẽ tiếp tục dịu dần, trong khi bức tranh tăng trưởng kinh tế vẫn ảm đạm, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước được kỳ vọng sẽ theo đuổi định hướng nới lỏng, với mục tiêu nhất quán là giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ ổn định các mức lãi suất điều hành, đồng thời kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất huy động/cho vay, cũng như triển khai một số giải pháp để thúc đẩy tín dụng như ban hành gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội, xem xét giãn nợ, cơ cấu nợ cho một số lĩnh vực…
Cân đối huy động vốn - tín dụng dự kiến có xu hướng đi ngang là chủ đạo trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng có thể cải thiện so với quý I, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ và ở mức tương đương với tăng trưởng huy động vốn (ước khoảng 3%).
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước thiên về chính sách nới lỏng hơn, nhưng điều này không có nghĩa là sự bắt đầu một chu kỳ cắt giảm lãi suất mạnh mẽ, ít nhất là tính đến thời điểm này. Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ thực hiện các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo một cách thận trọng và cân nhắc. Hướng tập trung của Ngân hàng Nhà nước rõ ràng sẽ là kiểm soát lạm phát.