Phân tích dữ liệu và thông tin hot:
Khép lại phiên giao dịch thứ Ba, giá vàng thế giới tiếp tục duy trì xu hướng đi ngang với biên độ ngày càng nhỏ dần để đánh dấu phiên thứ 8 liên tiếp giao dịch chủ yếu quanh mức 2.150 - 2.180. Một động thái cho thấy sự cẩn trọng rất cao của thị trường kim loại quý trước cuộc họp FOMC khuya hôm nay theo giờ Việt Nam.
Các chuyên gia nhận định Fed gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 5,25-5,5%, nhưng khó có thể phát đi một tín hiệu hạ lãi suất sớm - điều mà các nhà đầu tư kỳ vọng đã lâu. Chính vì vậy, tâm điểm chú ý của cuộc họp lần này sẽ là biểu đồ dot-plot, dự báo lãi suất mà các thành viên Fed đưa ra trong năm nay và còn của các năm tiếp theo.
Nếu Fed tiếp tục phát đi một thông điệp “diều hâu” sẽ làm gia tăng thêm áp lực lên giá vàng - vốn đang chững lại do áp lực chốt lời nhiều ngày nay sau khi gần chạm mốc lịch sử 2.200 USD/oz thiết lập vào tuần trước. Ngược lại, sự hưng phấn có thể nhanh chóng quay lại nếu Fed tỏ ra “nhẹ nhàng” hơn.
Bên cạnh đó, thị trường cũng ghi nhận trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm hơn 4 điểm cơ bản trước tin tức lớn đêm nay sau vài phiên tăng gần đây. Trong khi đồng USD vẫn duy trì mức tăng ấn tượng với chỉ số Dollar Index đo sức mạnh bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác sáng nay đã tăng lên mức gần 103,9 điểm, cao nhất trong hơn 2 tuần.
Bất chấp điều đó, quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust (NYSE:GLD) có phiên mua ròng thứ ba liên tiếp để đánh dấu con số mua ròng lên đến gần 20 tấn vàng chỉ sau 4 phiên giao dịch, đáng chú ý là trước đó một thời gian dài quỹ này gần như chỉ “xả” mạnh.
Phân tích biểu đồ giá vàng (GOLD) khung thời gian H1
Nguồn: xStation5
Một đợt sóng lớn dự kiến sẽ diễn ra trong phiên Mỹ đêm nay và có thể lây lan sang hai phiên giao dịch cuối cùng của tuần này, khi biểu đồ D1 cho thấy rõ sự tích lũy trong vòng 8 phiên gần nhất. Thậm chí các khung thời gian H1/H4 cũng cho thấy xu hướng đi ngang chờ quyết định Fed lúc 1 giờ rạng sáng mai.
Mức độ quan trọng trong thời điểm này là không thể bàn cãi vì sự biến động giá lần này sẽ giúp xác định xu hướng thị trường kim loại quý trong thời gian ít nhất vài tuần tới. Nó có thể đưa ra tín hiệu chốt lời hàng loạt dành cho những nhà đầu cơ giá lên vẫn đang giữ lệnh khi giá phá xuống dưới mốc 2.150 USD, đồng thời mở ra thời cơ bán khống để đẩy giá rơi mạnh xuống trở lại dưới mốc 2.100 USD.
Ngược lại, nếu giá phá trendline giảm để “bay” vọt lên trên mốc 2.160 USD sẽ có thể đánh dấu sự quay trở lại của những nhà đầu cơ giá lên. Từ đó tiếp tục công cuộc leo dốc để chinh phục các mức đỉnh cao kỷ lục mới. Mọi kịch bản đều có thể xảy ra trước một bản tin được xem là “bom tấn” lớn nhất tháng 3, chúng tôi khuyến nghị các nhà giao dịch nên thật cẩn trọng trong thời điểm này.