Đánh giá kết quả kinh doanh quý 3:
- Từ việc tổng hợp kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020, chúng tôi nhận thấy nhiều ngành có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong quý 3 (so với cùng kỳ) cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trong quý 2, giống như mô hình phục hồi của nền kinh tế chung. Trong đó, chúng tôi nhận thấy các ngành Bất động sản, Xây dựng và Vật liệu, Bán lẻ, và Ô tô và phụ tùng là những ngành có mức phục hồi ấn tượng nhất. Dịch COVID-19 đã khiến thị trường phân hóa thành 2 nhóm ngành:
1) nhóm “ít bị ảnh hưởng” gồm Ngân hàng, Chứng khoán, Tài nguyên Cơ bản, Công nghệ, và Viễn thông;
2) nhóm “bị ảnh hưởng nhiều” gồm Du lịch & giải trí, Hàng cá nhân và gia dụng, Năng lượng, Tiện ích, và Hàng & Dịch vụ Công nghiệp. Bên cạnh đó, một số ngành chưa có sự đồng điệu giữa tốc độ tăng trưởng doanh thu với tăng trưởng lợi nhuận, cụ thể là Thực phẩm và đồ uống, Hóa chất, Y tế, và Truyền thông.
Tầm nhìn 2021:
- Xét về kỳ vọng thị trường, các dự báo cho thấy kỳ vọng sự phục hồi sẽ diễn ra trên diện rộng vào năm 2021. Theo dữ liệu thu thập từ Bloomberg, lợi nhuận của doanh nghiệp trên mỗi cổ phần (EPS) tính cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 22% vào năm 2021 và gần 19% vào năm 2022. Dù vậy, chúng tôi nhận thấy sự phân hóa trong kỳ vọng phục hồi đó, với những ngành có mức tăng vượt trội hơn mặt bằng chung và những ngành phục hồi với mức tăng thấp.
- Theo phần ngành ICB cấp 2, chúng tôi đã phân loại các ngành thành 3 nhóm:
(1) Nhóm “Chưa phục hồi” trong năm 2021 bao gồm các ngành Du lịch và giải trí, Hàng cá nhân và gia dụng, Hàng và dịch vụ công nghiệp, Thực phẩm đồ uống, Năng lượng, và Tiện ích;
(2) Nhóm “Miễn nhiễm với COVID-19” gồm có Ngân hàng, Bảo hiểm, Chứng khoán, Tài nguyên cơ bản, Công nghệ, Truyền thông, Hóa chất, và Y tế;
(3) Nhóm “Phục hồi hoàn toàn” gồm Bán lẻ, Xây dựng và vật liệu, Bất động sản, và Ô tô phụ tùng.
Sự phân hóa trong quá trình phục hồi
Nhờ những biện pháp phòng chống dịch COVID-19 kịp thời, Việt Nam đang là điểm sáng trên bản đồ thế giới về tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, Việt Nam là một trong số ít các nền kinh tế có mức tăng trưởng GDP tích cực, với mức tăng 2,91%. Hơn nữa, Việt Nam đặt mục tiêu mức tăng trưởng GDP 6% trong năm 2021 và 6,8% trong năm 2022. Các tổ chức trên thế giới cũng hướng tới mức kỳ vọng này trong dự báo cho năm 2021 và 2022. Đáng chú ý, các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm khôi phục nền kinh tế hậu COVID-19 đã và đang tạo môi trường thuận lợi cho các ngành công nghiệp và sản xuất phục hồi trên diện rộng.
Trên thực tế, nhiều chỉ báo đã cho thấy nền kinh tế đã được tái khởi động từ tháng 5/2020:
1) Chỉ số đo lường mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp ứng phó dịch COVID-19 (công cụ nhằm theo dõi ứng phó của chính phủ các nước đối với dịch COVID-19 của Oxford) sụt giảm, và chỉ số xu hướng di chuyển của cộng đồng (của Google (NASDAQ:GOOGL)) cũng cho thấy sự hồi phục đáng kể sau đó;
2) Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng PMI (Purchasing Managers' Index) của Việt Nam, cũng như của thế giới cho thấy đã tạo đáy từ tháng 4;
3) Tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ, cũng như tăng trưởng doanh số bán lẻ so với cùng kỳ cũng tạo đáy từ tháng 4. Do đó, chúng tôi tin rằng kết quả kinh doanh quý 3/2020 sẽ thấy sự hồi phục hình chữ V rõ ràng bởi vì các doanh nghiệp đã khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh “bình thường” kể từ tháng 5.
Từ việc tổng hợp kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 (xem bảng 1), chúng tôi nhận thấy nhiều ngành có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trong quý 3 (so với cùng kỳ) cao hơn đáng kể so với mức tăng trưởng trong quý 2, giống như mô hình phục hồi của nền kinh tế chung. Trong đó, chúng tôi nhận thấy các ngành Bất động sản, Xây dựng và Vật liệu, Bán lẻ, và Ô tô và phụ tùng là những ngành có mức phục hồi ấn tượng nhất. Dịch COVID-19 đã khiến thị trường phân hóa thành 2 nhóm ngành:
1) Nhóm “ít bị ảnh hưởng” gồm Ngân hàng, Chứng khoán, Tài nguyên Cơ bản, Công nghệ, và Viễn thông;
2) Nhóm “bị ảnh hưởng nhiều” gồm Du lịch & giải trí, Hàng cá nhân và gia dụng, Năng lượng, Tiện ích, và Hàng & Dịch vụ Công nghiệp. Bên cạnh đó, một số ngành chưa có sự đồng điệu giữa tốc độ tăng trưởng doanh thu với tăng trưởng lợi nhuận, cụ thể là Thực phẩm và đồ uống, Hóa chất, Y tế, và Truyền thông.
Động lực tăng trưởng của nhóm các ngành ít bị ảnh hưởng:
- Ngành ngân hàng: Một là chất lượng tài sản của các ngân hàng vẫn chưa phản ánh đầy đủ tác động của dịch COVID-19 nhờ Thông tư 01/2020/TT-NHNN, do đó, áp lực trích lập dự phòng đã được giảm đi phần nào. Theo Thông tư, các ngân hàng đã giữ nguyên nhóm nợ cho những người đi vay bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hai là biên thu nhập lãi thuần của các ngân hàng được cải thiện từ quý 3 (so với quý 2) do chi phí sử dụng vốn bắt đầu giảm nhanh hơn lợi suất cho vay. Ngân hàng Nhà nước đã liên tục cắt giảm lãi suất điều hành để kích thích nền kinh tế phục hồi. Theo đó, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm đáng kể so với thời điểm cuối năm 2019; tuy nhiên, việc lãi suất huy động giảm sẽ có độ trễ phán ánh vào báo cáo tài chính hơn. Ba là mức độ đa dạng hóa trong cấu trúc thu nhập của ngân hàng được gia tăng. Hay nói cách khác, các nguồn thu nhập ngoài lãi (bao gồm thu nhập từ phí dịch vụ, thu từ kinh doanh ngoại hối, thu từ mua bán chứng khoán kinh doanh và chứng khoán đầu tư) vẫn có mức tăng trưởng tốt và gia tăng mức đóng góp vào tổng thu nhập của ngân hàng. Đặc biệt, nhiều hợp đồng bancassurance độc quyền được ký kết giữa ngân hàng với các công ty bảo hiểm nước ngoài mang lại khoản thu nhập từ phí độc quyền cho các ngân hàng sau khi được ký kết, cũng như giúp triển vọng thu nhập từ phí sẽ tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo. Tiêu biểu 3 hợp đồng bancassurance độc quyền được ký kết gần đây nhất là: hợp đồng 16 năm giữa Vietinbank−Manulife partnership, 15 năm giữa ACB−Sun Life partnership, và 15 năm giữa Vietcombank−FWD.
- Ngành chứng khoán: Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tạo đáy kể từ cuối tháng 3 và phục hồi ấn tượng sau đó. Đáng chú ý, các công ty chứng khoán đã được hưởng lợi từ việc giá trị giao dịch hàng ngày tăng đáng kể sau đó. Cụ thể, giá trị giao dịch bình quân đã tăng từ mức 3,9 nghìn tỷ/ngày hồi năm 2019 lên mức trên 6 nghìn tỷ/ngày tính bình quân từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, trong tháng 12/2020, giá trị giao dịch liên tục lập mức cao mới, với mức bình quân trên 11 nghìn tỷ. Ngoài ra, danh mục tự doanh của các công ty chứng khoán cũng đạt mức sinh lời tốt trong bối cảnh thị trường chung thuận lợi.
- Ngành Tài nguyên cơ bản: Thép và giấy là hai phân ngành lớn của ngành Tài nguyên cơ bản. Ngành này được hưởng lợi từ nhu cầu tiêu thụ lớn ở Trung Quốc, cũng như nội địa. Ngoài ra, giá của các loại tài nguyên cơ bản đã ghi nhận mức tăng đáng kể so với mức đáy trong đại dịch. Cụ thể đối với ngành thép, các công ty sản xuất thép đã và đang hưởng lợi từ việc chính phủ thúc đẩy đầu tư công trong năm 2020-21. Trong khi đó, đối với các công ty sản xuất giấy bao bì, carton đang trong giai đoạn tăng cầu tiêu thụ trước xu hướng bảo vệ môi trường (hạn chế rác thải nhựa), xu hướng thương mại điện tử, và hoạt động xuất khẩu hàng hóa trở nên sôi động trước các hiệp định tự do thương mại lớn như RCEP, EVFTA, CPTPP.
- Ngành công nghệ thông tin: Các công ty trong ngành duy trì được đà tăng trưởng trong mùa dịch nhờ:
1) Nhu cầu số hóa doanh nghiệp để tối ưu hiệu quả hoạt động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh;
2) Dịch COVID-19 đã làm thay đổi cách thức làm việc, học tập nói riêng, và hành vi tiêu dùng, sự vận hành của doanh nghiệp nói chung. Nhờ đó nhu cầu đối với các sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin gia tăng đáng kể trong thời gian dịch bệnh.
3) Nhờ ngăn ngừa lây lan dịch hiệu quả, Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn về gia công phần mềm công nghệ thông tin. Dù vậy, chúng tôi nhận thấy các doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn bởi COVID-19 có xu hướng cắt giảm chi phí công nghệ thông tin trong thời gian dịch bệnh diễn ra.
- Ngành Viễn thông được hỗ trợ bởi các yếu tố:
1) Sự gia tăng lưu lượng dữ liệu và sử dụng dữ liệu băng thông rộng được thúc đẩy trong thời gian dịch bệnh bởi chuyển đổi làm việc tại nhà, đào tạo từ xa, và mua sắm trực tuyến;
2) doanh thu ổn định từ thị trường nước ngoài.
Xét về kỳ vọng thị trường, các dự báo cho thấy kỳ vọng sự phục hồi sẽ diễn ra trên diện rộng vào năm 2021. Theo dữ liệu thu thập từ Bloomberg, lợi nhuận của doanh nghiệp trên mỗi cổ phần (EPS) tính cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 22% vào năm 2021 và gần 19% vào năm 2022. Dù vậy, chúng tôi nhận thấy sự phân hóa trong kỳ vọng phục hồi đó, với những ngành có mức tăng vượt trội hơn mặt bằng chung và những ngành phục hồi với mức tăng thấp. Theo phần ngành ICB cấp 2, chúng tôi đã phân loại các ngành thành 3 nhóm:
1) Nhóm “Chưa phục hồi” trong năm 2021 khi mức ước tính EPS năm 2021 vẫn thấp hơn mức 2019 (thời điểm trước dịch);
2) Nhóm “Miễn nhiễm với COVID-19” khi có tăng trưởng EPS dương trong cả hai năm 2020 và 2021;
3) Nhóm “Phục hồi hoàn toàn” khi có mức EPS năm 2021 cao hơn mức 2019. Kết quả được minh họa trong Hình 10.