Trạng thái thanh khoản tiền Đồng ổn định
- Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong tháng 5 do thiếu hụt cục bộ ở một số ngân hàng.
- Giá trị giao dịch trên thị trường sơ cấp và thứ cấp tăng mạnh trong tháng 5. Mặt bằng lợi suất giảm ở kỳ hạn ngắn (5 năm) và tăng nhẹ ở kỳ hạn dài
KBSV dự báo mặt bằng lãi suất liên ngân hàng hạ nhiệt trong khi lợi suất TPCP sẽ đi ngang trong giai đoạn cuối quý 2 khi nguồn cung tiền đồng được hỗ trợ bởi khoản mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp giảm so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2021
- Luật chứng khoán 2019 và Nghị định 153/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/1/2021 siết chặt hơn về quy định chào bán và giao dịch TP riêng lẻ (trong đó liên quan đến nhà đầu tư) trong khi Nghị định 81/2020/NĐ-CP quy định các điều kiện doanh nghiệp phát hành bị hủy bỏ.
- Nhóm ngân hàng quay trở lại là tổ chức phát hành lớn nhất trong tháng 5.
- Tỷ giá liên ngân hàng đi ngang trong khi chợ đen giảm mạnh trong tháng 5.
Thanh khoản tiền Đồng duy trì ổn định trong tháng 5
Thanh khoản trong toàn hệ thống ngân hàng vẫn ở trạng thái ổn định giúp diễn biến hoạt động thị trường mở trầm lắng trong tháng 5. Hai yếu tố giúp hỗ trợ thanh khoản thị trường là lượng tiền tiền nhàn rỗi của KBNN tăng trong bối cảnh đầu tư công bị trì hoãn dẫn đến lượng tiền gửi của KBNN tại các NHTM tăng và cầu tín dụng yếu đi. Cụ thể, mặc dù tín dụng trong 5 tháng đầu năm tăng mạnh so với năm 2020 (4.67% YTD so với mức tăng 1.32% trong năm 2020), cầu tín dụng phần nào yếu đi dưới tác động của đợt bùng phát dịch lần thứ 4 (tăng trưởng tín dụng tháng 5 ước tính 1.3% MoM, thấp hơn so với mức tăng 1.8% MoM trong tháng 4.
Hoạt động OMO trầm lắng trong tháng 5
Biểu đồ 1. Diễn biến hoạt động thị trường mở trong 5 tháng đầu năm 2021
Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong tháng 5 và khối lượng giao dịch tăng gấp 2 so với cùng kỳ
Trái ngược lại, mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có biến động ngược chiều, khi tăng mạnh trong tháng 5 với khối lượng giao dịch tăng gấp 2 so với cùng kỳ. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn qua đêm tăng mạnh từ khoảng 0.15% trong 3 tháng đầu năm lên quanh 1.0%/năm vào cuối tháng 5. Diễn biến tương tự cũng được quan sát thấy ở các kỳ hạn còn lại. Khối lượng giao dịch trên thị trường liên ngân hàng tập trung ở kỳ hạn qua đêm với tổng giá trị giao dịch tăng gấp 2 so với cùng kỳ. Điều này cho thấy thanh khoản ngắn hạn trong một số ngân hàng bị thiếu hụt cục bộ, nhiều khả năng là những ngân hàng đẩy mạnh tín dụng trong khi nguồn huy động chưa kịp thời bù đắp.
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng sẽ hạ nhiệt trong thời gian tới
Diễn biến lãi suất liên ngân hàng trong tháng 6 sẽ hạ nhiệt trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng tiếp tục gây ảnh hưởng tới cầu tín dụng cũng như đợt tăng mạnh vừa qua chỉ do yếu tố cục bộ. Ngoài ra, dòng tiền VND (HN:VND) thông qua kênh giao dịch mua ngoại tệ sẽ quay trở lại vào cuối tháng 6 – đầu tháng 7 sẽ cung cấp một lượng thanh khoản tiền đồng cho hệ thống ngân hàng.
Tổng khối lượng TPCP phát hành trong tháng 5 tăng mạnh so với tháng 4
Số liệu từ HNX cho thấy, thị trường TPCP sơ cấp trong tháng 5 tăng mạnh và là mức cao nhất trong năm 2021. Tổng khối lượng TP phát hành thành công là 44.2 nghìn tỷ đồng, tăng 68.1% MoM. Nguồn cung tăng mạnh (48 nghìn tỷ đồng (+52.4% MoM) với toàn bộ TPCP gọi thầu đến từ KBNN. Đây là diến biến được kỳ vọng từ trước, khi khối lượng TPCP đáo hạn tăng đột biến trong tháng 5 và tháng 6 nên nhu cầu phát hành thêm để đảo nợ tăng. Khối lượng đặt thầu tiếp tục duy trì ở mức cao, với tỷ lệ đặt thầu/gọi thầu là 2.9 lần và giúp tỷ lệ trúng thầu tăng vọt, lên tới hơn 92% trong tháng 5. Lợi suất trúng thầu có diễn biến trái chiều, giảm nhẹ ở các kỳ hạn 5, 10 trong khi tăng nhẹ ở 15 năm vào 20 năm. Lợi suất trung bình các kỳ hạn 5, 10, 15, 20 và 30 năm lần lượt là 1.14% (-1 bps MoM), 2.33% (-3 bps MoM), 2.57% (+1 bps MoM), 2.90% ( +1 bps MoM) và 3.05% (+0bps MoM) .
Xu hướng tăng phát hành các kỳ hạn dài vẫn được duy trì, tuy nhiên tỉ trọng phát hành thành công kỳ hạn 5 năm tăng dần
Cơ cấu TPCP theo kỳ hạn phát hành thành công trong tháng 5 tập trung ở 2 kỳ hạn 10 và 15 năm, chiếm 80% tổng lượng phát hành thành công. Trái phiếu kỳ hạn ngắn (5 năm) tiếp tục duy trì tỷ trọng cao trong cơ cấu phát hành (12%). Mặt bằng lợi suất trái phiếu ở mức thấp nhất trong lịch sử và kỳ hạn phát hành TPCP trung bình tăng dần kể từ năm 2015 giúp dư địa để KBNN phát hành TPCP kỳ hạn ngắn (5-7 năm) tăng lên. Tính đến hết tháng 5, KBNN hoàn thành 84.3% kế hoạch Quý 2 và 31.3% kế hoạch năm 2021.
Xem thêm tại đây