Tại cuộc họp OPEC tuần này ở Viên, nhóm này đã nhấn mạnh họ không có nhiều ảnh hưởng đối với thị trường dầu - ít nhất trong thời điểm hiện tại. OPEC & OPEC+ tuyên bố giảm sản xuất thêm 9 tháng, nhưng thị trường lại ngó lơ quyết định này.
Giá dầu tăng trong đầu phiên thứ Hai mặc dù không đáng kể. Trên thực tế, luồng tin tích cực từ quan hệ thương mại Mỹ - Trung ảnh hưởng đến giá dầu nhiều hơn quyết định của OPEC. Trong ngày thứ Ba, sau khi OPEC+ ký quyết định hạn ngạch cho 9 tháng và đồng ý với điều khoản mới, giá dầu đã thực sự giảm. Vào cuối phiên ngày thứ Ba, giá dầu Brent đã giảm 3%.
Trong khi thị trường gần như không phản ứng với quyết định của OPEC bởi mọi thứ đã được dự báo từ trước, thực tế, thị trường hiểu rõ hạn ngạch mà OPEC đưa ra gần như không ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung cầu. Nếu so sánh sản lượng từ tháng 10/2016 - 2 tháng trước khi OPEC & OPEC+ quyết định giảm sản xuất - với sản lượng từ tháng 5/2019, ta có thể nhận thấy động thái từ OPEC không phải là yếu tố làm thay đổi nguồn cung.
Nhìn lại giai đoạn tháng 10/2016 đến tháng 5/2019, gần 70% lượng cung giảm đến từ Iran và Venezuela. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn cung giảm xuất phát từ lệnh trừng phạt của Mỹ và việc không có khả năng sản xuất, chứ không phụ thuộc vào hạn ngạch mà OPEC tự nguyện giảm. Sản lượng mà Angola giảm, cũng chỉ thêm 7% so với mức giảm của OPEC, và họ cũng không tự nguyện về việc này. Hiện nay, Iran giảm 1,525 triệu thùng/ngày, Venezuela giảm 1,347 triệu thùng/ngày và Angola giảm 0,303 triệu thùng/ngày. Các nước còn lại thuộc OPEC giảm ít hơn 1,3 triệu thùng/ngày. Hơn 75% sản lượng sụt giảm từ OPEC xảy ra mà không có sự can thiệp của khối.
Tổng sản lượng toàn cầu gần như giữ nguyên so với hơn 2 năm trước. Trong Q4/2016, sản lượng toàn cầu là 99 triệu thùng/ngày. Trong Q1/2019, sản lượng này chỉ thấp hơn 100 triệu thùng/ngày. Trong khoảng thời gian giữa tháng 10/2016 đến cuối tháng 5/2019, Mỹ đã tăng 3,9 triệu thùng/ngày, tương đương với mức 45,5%. Nếu đặt trên bàn cân, việc Mỹ tăng sản lượng ảnh hưởng đến thị trường lớn hơn nhiều so với việc OPEC tự nguyện giảm sản lượng.
Chỉ với một lượng sản xuất nhỏ mà OPEC tự nguyện giảm (ngoài mức Iran, Venezuela và Angola bị bắt buộc giảm) Ả Rập Xê Út đóng góp đến 85% kể từ cuối 2016. Thực tế, các quốc gia như I-rắc, Gabon và UAE đều sản xuất nhiều dầu hơn trong tháng 5/2019 so với tháng 10/2016.
OPEC hiểu rằng họ không thể ổn định thị trường một mình nên họ thiết lập quan hệ chặt chẽ với nhóm OPEC+. Tổ chức này dựa vào một vài quốc gia không thuộc khối OPEC để giải quyết một số vấn đề, nhưng thường các quốc gia này đều không đáng tin cậy. Nga là một ví dụ điển hình khi không tuân thủ theo hạn ngạch đã đồng thuận. Hơn nữa, việc đưa ra thoả thuận 9 tháng trong tuần này đồng nghĩa với việc OPEC càng ít ảnh hưởng hơn tới giá dầu, bởi nếu thoả thuận này được duy trì, mọi thứ sẽ giữ nguyên cho đến tháng 3/2020.
Cùng lúc, OPEC cũng không thể làm gì để đối phó lại với sản lượng của Mỹ. Biến động sản lượng mà OPEC có thể tạo ra không đủ để định hướng thị trường. Điều tốt nhất đối với OPEC trong vài năm qua là các vấn đề nằm ngoài sự kiểm soát của họ như là lệnh cấm vận hay vấn đề đối với 1 số ít các quốc gia OPEC.
Điều này không có nghĩa rằng OPEC hoàn toàn không liên quan đến thị trường dầu, nhưng hiện tại, họ gần như không có khả năng điều giá cả lên hay xuống. Dù cho cuộc họp tuần này không để lại nhiều ấn tượng nhưng mọi việc đều có thể chuyển biến nhanh chóng. Năm sau mọi thứ rất có thể sẽ khác đi.