Nền kinh tế với những bức tranh 2 màu sáng tối, với số liệu kinh tế quý 1/2019 thặng dư cán cân thương mại, hưởng lợi từ các hiệp định, hưởng lợi từ chiến tranh thương mại, lãi suất ổn định… Tất cả sẽ tạo nên xu hướng cho nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.
1. Thặng dư cán cân thương mại tính từ đầu năm 2019
Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu tháng 3 có mức thặng dư gần 0,61 triệu USD. Tính đến ngày 15/3, Việt Nam xuất siêu khoảng 0,5 tỷ USD.
Cập nhật mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy từ đầu năm đến ngày 19/3, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã cán mốc 100 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ đạo đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, đáng chú ý là ngành dệt may, giày dép, ngành gỗ, và thủy sản là các ngành được hưởng lợi trực tiếp từ chiến tranh thương mại, các hiệp định thương mại, CPTPP, và tương lai là hiệp định EVFTA ( Việt Nam – EU ).
Trong đó: Xuất khẩu cá tra tăng 17% trong 2 tháng đầu năm
Trung Quốc - Hong Kong là nước tiêu thụ cá tra Việt Nam lớn nhất chiếm 19,3% xuất khẩu cá tra đi các thị trường.
Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của cá tra Việt Nam, chiếm 17,1%
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cá tra nổi bật nhất trong 2 tháng đầu năm là ở thị trường (EU) với tổng kim ngạch tăng 56% và đạt 43,5 triệu USD. Tăng trưởng xuất khẩu sang Đức và Bỉ trên 3 con số, đây là tín hiệu đáng mừng khi Việt Nam dần mở rộng thị trường xuất khẩu.
VASEP đánh giá tích cực cho xuất khẩu cá tra Việt Nam, nếu duy trì được sảng lượng ở 3 thị trường chính Mỹ, Trung Quốc - Hong Kong và EU, ngành cá tra trong năm 2019 sẽ đạt được kế hoạch xuất khẩu đã đề ra.
Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc ước đạt 4,89 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ.
Từ cuối năm 2018, đầu năm 2019, nhiều doanh nghiệp đã có đủ đơn hàng sản xuất cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm.
Theo Hiệp hội dệt may Mỹ (OTEXA), Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 2 tại Mỹ với thị phần chiếm 13,2% tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ, chỉ đứng sau Trung Quốc (thị phần 36%). Năm 2018 với cuộc chiến tranh thương mại diễn ra đây là cơ hội lớn cho ngành dệt may việt Nam
Bên cạnh đó là hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng dệt may, đặc biệt khi thị phần của các nước trong Hiệp định chiếm ~16% trong tổng giá trị xuất khẩu. Trong đó, Nhật, Canada là 2 quốc gia trong hiệp định nhập khẩu hàng dệt may Việt Nam nhiều nhất.
Đồng thời, nếu hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thông qua trước tháng 5/2019 cũng sẽ là thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.
2. Vốn FDI vào Việt Nam quý I đạt kỷ lục
Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến 20/3, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 10,8 tỷ USD, tăng 86,2% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong số 74 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hong Kong đang dẫn đầu với 4,4 tỷ USD, chiếm hơn 40% về vốn.
Điều này cho thấy tính hấp dẫn của thị trường Việt Nam trên trường quốc tế là như thế nào, với dư địa tăng trưởng còn nhiều và chưa khai thác hết cũng như chính sách mở cửa nền kinh tế, dự kiến trong thời gian tới Việt Nam sẽ ngày càng thu hút vốn FDI hơn nữa
3. Lãi suất ngân hàng duy trì ở mức ổn định, ngân hàng nhà nước điều hành hệ thống chặt chẽ
Lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9 -11%/năm đối với trung và dài hạn.
Dự báo về lãi suất cho vay trong năm 2019, nhiều chuyên gia cho rằng mặt bằng lãi suất sẽ giữ ở mức tương tự như năm 2018, không nhiều biến động.
Môi trường vĩ mô trong nước đang khá ổn định, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đang điều hàng hệ thống theo hướng tích cực:
Cụ thể gần đây nhất Thống đốc NHNN vừa có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Yêu cầu này đưa ra mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ, xuống dưới 3% từ nay đến năm 2020.
Nhờ một năm kinh doanh nhiều điểm sáng, lợi nhuận lũy kế ở nhiều ngân hàng tiếp tục tăng cao. 10 ngân hàng có lợi nhuận để lại cao nhất có tổng đạt gần 85.000 tỷ đồng vào cuối năm 2018, tăng 49% so với cuối năm 2017.
Nền kinh tế việt nam đang trên đà tăng trưởng, thặng dư cán cân thương mại, vốn FDI tăng kỷ lục trong quý 1, lãi suất duy trì ổn định, kết quả kinh doanh tích cực hệ thống ngân hàng. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu hé lộ kế hoạch kinh doanh tích cực cho năm 2019. Bên cạnh đó thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều thông tin hỗ trợ làm đòn bảy để tăng trưởng: Thông tin về nâng hạng thị trường, nới room hay thoái vốn…Thị trường chứng khoán Việt Nam hứa hẹn tương lai tươi sáng.
HelloStock Team