Một số tổ chức tài chính lớn nhất thế giới đang trải qua một giai đoạn phục hồi mạnh mẽ sau khi phải gánh chịu tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19.
Các cổ phiếu ngân hàng của Hoa Kỳ đã tăng vượt trội so với chỉ số S&P 500 với một biên độ lớn trong năm nay. Các nhà đầu tư hiện đang lạc quan vào các ngân hàng với niềm, tin rằng điều tồi tệ nhất đã qua, và nền kinh tế mở cửa trở lại sẽ thúc đẩy doanh thu tăng trưởng.
Chỉ số KBW Bank đã tăng khoảng 40% từ đầu năm đến nay, được dẫn đầu bởi JPMorgan Chase (NYSE: JPM), Goldman Sachs (NYSE: GS) và Bank of America (NYSE: BAC). So với cùng giai đoạn, chỉ số S&P 500 chỉ tăng 10%.
Sau màn trình diễn ấn tượng này, nhiều nhà đầu tư cảm thấy rằng họ có thể đã bỏ lỡ chuyến tàu của các tổ chức tài chính.
Nhận định đó có thể đúng với một số ngân hàng nhất định, nhưng bức tranh vĩ mô tổng thể vẫn khá thuận lợi cho các tổ chức cho vay lớn có nguồn thu đa dạng và có vị thế tốt để hưởng lợi từ cả môi trường lãi suất thấp và đang tăng dần.
Một trong những yếu tố lớn nhất có thể tiếp thêm sức mạnh cho lợi nhuận của các ngân hàng trong những tháng tới là nhu cầu tín dụng bị dồn nén trong thời gian đại dịch. Từ cả cá nhân cho đến các tập đoàn lớn, năm 2020 là năm mà các kế hoạch chi tiêu bị hủy bỏ do những lệnh phong tỏa buộc những người đi vay tiềm năng phải bảo toàn tiền mặt và cắt giảm chi phí.
Tình hình đó khó có thể tiếp tục nếu nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại hoàn toàn theo kế hoạch trong năm nay. Kết hợp với gói chi tiêu lớn cho cơ sở hạ tầng của chính phủ và việc cắt giảm dần các biện pháp kích thích tiền tệ, các ngân hàng có thể thấy nhu cầu tín dụng tăng lên đáng kể trong khoảng thời gian còn lại của năm 2021.
Vượt ngoài mong đợi
Ngoài nhu cầu tín dụng ngày càng tăng, các hoạt động nhộn nhịp trên thị trường vốn - đa dạng từ khối lượng giao dịch cao hơn đến các thương vụ M&A lớn và các đợt chào bán cổ phiếu - sẽ tiếp tục ủng hộ cho các ngân hàng.
Ví dụ: JPMorgan và Goldman Sachs, đã cho thấy sự nhất quán trong suốt đại dịch rằng họ có thể thích ứng với bất kỳ điều kiện kinh tế và thị trường nào, đồng thời tìm cách thể hiện vượt ngoài mong đợi. Năm ngoái, khi tình hình kinh tế nói chung cực kỳ suy thoái, những ngân hàng này đã nắm bắt sự biến động của thị trường tài chính để kiếm nhiều tiền hơn thông qua các đơn vị đầu tư của họ.
Thêm vào sự lạc quan này là tốc độ tăng nhanh của lạm phát, báo hiệu rằng Cục Dự trữ Liên bang có khả năng sẽ buộc phải tăng lãi suất sớm hơn dự kiến để tránh giá cả tăng cao. Lãi suất cao cho phép các ngân hàng tính phí nhiều hơn đối với người đi vay, thúc đẩy tỷ suất lợi nhuận cho vay trên nhiều loại sản phẩm từ thẻ tín dụng đến thế chấp.
Ngay cả sau khi tăng mạnh trong năm nay, cổ phiếu ngân hàng vẫn hấp dẫn khi so sánh với thị trường chung. Các ngân hàng giao dịch ở mức khoảng 13 lần so với thu nhập dự kiến vào năm 2022, trong khi S&P 500 giao dịch ở mức hơn 22 lần, đây là một khoảng cách lớn so với mức trung bình trong lịch sử.
Theo các nhà phân tích của Deutsche Bank được trích dẫn trong báo cáo của Wall Street Journal, thị trường vẫn chưa định giá được sức mạnh kinh tế tiềm năng cho năm 2023 và 2024, điều này có thể khiến các ngân hàng thu được nhiều lợi nhuận hơn nữa, tạo ra mức tăng 25-50% đối với giá cổ phiếu của họ trong thời gian đó.
Kết luận
Bối cảnh nền kinh tế vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng lợi nhuận của các ngân hàng trong năm nay, khiến cổ phiếu của các ngân hàng trở nên hấp dẫn ngay cả sau khi tăng mạnh.
Các nhà đầu tư muốn chọn mua cổ phiếu ngân hàng có thể xem xét thêm những cái tên lớn như JPM, Goldman Sachs và Bank of America vào danh mục đầu tư của họ. Những công ty hàng đầu này, với mô hình kinh doanh đa dạng của họ, đang ở vị thế tốt hơn để trở nên vượt trội so với các ngân hàng nhỏ trong lĩnh vực.